Sáng 7/7, giá vàng rớt thê thảm. Đến trưa, chỉ còn 36,65-37,55 triệu đồng/lượng. - Ảnh minh họa |
Vừa bước chân tới cơ quan, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị bạn thân với giọng buồn rười rượi. Chị kể, sáng 6/7, thấy giá vàng tăng cao, nên quyết thử vận may bằng cách rút tiền tiết kiệm mua 5 lượng vàng với giá 38,6 triệu đồng/lượng. Chiều cùng ngày, giá vàng được đẩy lên đến sát 40 triệu đồng, chị lăn tăn: “Thấy đông người bán lắm nhưng đợi thêm một hai ngày nữa xem sao”. Ai ngờ, sáng 7/7, giá vàng rớt thê thảm. Đến trưa, chỉ còn 36,65-37,55 triệu đồng/lượng. “Đau” nhưng vẫn đành bán “cắt lỗ”.
Theo dõi diễn biến thị trường vàng trong những ngày qua, rất nhiều nhà đầu tư nghiệp dư đã “dính bẫy”. Cụ thể, ngày 6/7, trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 0,2-0,5% và tính cả phiên 6/7, giá vàng thế giới chỉ tăng 0,6% (tương đương gần 220 nghìn đồng/lượng quy đổi). Trong khi đó, giá vàng trong nước ngày 6/7 tăng 2,7 triệu đồng/lượng (tăng gần 7,3%). Mức tăng của giá vàng trong nước gấp hơn 12 lần mức tăng của giá vàng thế giới. Chính vì giá vàng trong nước tăng quá nhanh khiến giá vàng cao hơn giá vàng thế giới tới 3,1 triệu đồng thời điểm trưa 6/7. Mức chênh này chỉ kém mức chênh kỷ lục trong cơn sốt vàng cách đây 5-6 năm.
Đáng chú ý, đồng thời với chênh lệch cao với giá vàng thế giới là khoảng cách giữa giá mua vào và giá bán ra của vàng trong nước cũng nới rộng lên tới 1,2 triệu đồng/lượng. Chính vì khoảng cách này mà những nhà đầu tư nghiệp dư như chị bạn tôi không lãi lời bao nhiêu dù giá vàng tăng vọt bởi giá doanh nghiệp bán cho người dân thì cao nhưng mua vào thì thấp. Còn khi giá vàng giảm thì mức lỗ của nhà đầu tăng gấp đôi.
Khi hỏi đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng, vị này giải thích: Khoảng cách giá mua vào và bán ra được nới rộng là để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp khi giá vàng tăng cao và trong trường hợp cung không đủ cầu. Như vậy, trong bất kỳ tình huống nào doanh nghiệp cũng được “cầm đằng chuôi”, đồng thời hưởng lãi “đúp” khi bán được giá cao và mua vào giá thấp còn mọi rủi ro đều đổ lên đầu nhà đầu tư.
“Kỹ thuật đảm bảo an toàn” này của doanh nghiệp không phải lần đầu sử dụng mà xảy ra mỗi khi giá vàng biến động. Nhưng cho tới nay “chiêu” này vẫn hiệu quả. Thiết nghĩ, người dân không tỉnh táo, không thể cưỡng lại được lợi nhuận của kênh này. Nhưng cơ quan quản lý một khi đã coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện, đưa vàng vào quản lý thì phải quản lý chặt chẽ, đồng bộ, kể cả biên độ giao dịch. Đừng để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở “móc túi” người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận