Càng tới gần ngày Thần Tài, giao dịch vàng càng nhộn nhịp |
Nhộn nhịp mua vàng giải hạn
Không sôi động như ngày mùng 7 Tết (ngày lễ tình nhân) nhưng hôm qua (15/2) các nhân viên trông xe tại các cửa hàng vàng bạc trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) vẫn liên tục bận rộn. Những cửa hàng như Bảo Tín Minh Châu hay Phú Quý, xe xếp thành các hàng dài sát nhau, khách liên tục ra vào. Chị Đặng Thanh Lan (trú tại quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị đến để mua một ít nhẫn tròn lẻ cho lễ giải xui đầu năm. “Vàng giải xui không cần nhiều mà chỉ cần vàng lẻ, vàng vụn. Tôi cũng chỉ mua một ít nhẫn 0,3 và 0,5 chỉ cho cả nhà nội và ngoại để cùng làm lễ một thể”.
Nhân viên bán hàng tại cửa hàng vàng bạc Phú Quý cho biết: “Nhiều gia đình khá giả họ chuẩn bị cả mấy chỉ hay cả cây vàng để mong giảm bớt xui xẻo, giải hạn”.
Còn nhân viên bán hàng cửa hàng Bảo Tín Minh Châu xác nhận, loại nhẫn tròn của công ty mấy ngày nay bán chạy nhất do khách mua vào với tâm lý cầu may đầu năm. “Tới ngày Thần Tài, giao dịch sẽ còn sôi động hơn nữa”, nhân viên này nhận định.
Không mua vàng giải hạn như chị Lan, anh N.C.Cường (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, anh theo dõi mấy ngày nay thấy giá vàng tăng nhanh. Thêm nữa, theo một số dự báo giá vàng thế giới trong ngắn hạn có thể sẽ tăng cao hơn nên anh quyết định mua gần 10 cây để đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều khách tới bán vàng. Bác Đào Thắng Lợi (trú tại Bách Khoa, Hà Nội) vừa làm thủ tục bán 17 cây vàng tại Bảo Tín Minh Châu cho biết, nhân viên đã kiểm tra xong và viết giấy nhận tiền, nhưng phải hai ngày sau bác mới nhận được tiền mặt. Về lý do bán vàng ở thời điểm này, nhà đầu tư này giải thích đã mua số vàng này trước Tết và đến nay lãi được 500.000 đồng/lượng. “Những ngày tới chưa giá biết sẽ như nào nên muốn cầm chắc lời lãi này đã”, bác Lợi cho hay.
Bên cạnh đó, theo quan sát của nhà đầu tư này, ngày 15/2, giá vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu đang giảm dần khoảng cách với giá vàng SJC. Đơn cử như thời điểm đầu giờ chiều, khoảng cách này chỉ chưa đầy 1 triệu đồng/lượng (trước đó thường xuyên được duy trì ở mức trên 2 triệu đồng), thậm chí có thời điểm khoảng cách này được rút về rất ngắn.
Nhà đầu tư chứng khoán vẫn nghỉ Tết
Anh Ng.X.H - một nhà đầu tư lão luyện 11 năm nay trên thị trường chứng khoán đang quản lý vốn cả chục tỷ đồng của nhiều cá nhân cho hay, trong phiên giao dịch khai xuân ngày 15/2, anh không mua vào bất kỳ mã chứng khoán nào mà chỉ theo dõi thị trường và nghe ngóng phản ứng của nhà đầu tư. “Tâm lý thị trường năm nào cũng thế. Phiên đầu năm thường rất buồn chán do nhà đầu tư còn nghỉ Tết, chơi xuân, đi chùa”, anh H nói và cho biết thêm, tâm lý này ảm đạm thường xảy ra đối với ba đến bốn phiên giao dịch trước và sau Tết.
Bên cạnh đó, theo anh H, trong tuần nghỉ Tết, thị trường chứng khoán thế giới biến động mạnh tại Nhật Bản, Trung Quốc; “Thị trường chứng khoán Việt Nam nghỉ Tết nên tránh được cú rơi này nhưng tâm lý thị trường còn đang sợ thị trường thế giới tiếp tục giảm. Nhà đầu tư đã nghỉ cả đợt Tết rồi nên nghỉ thêm một vài ngày nữa cũng không vội”, anh H. nói và cho rằng, đây là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường èo uột trong phiên khai xuân.
Trên thực tế, trong phiên giao dịch, nhất là phiên giao dịch buổi sáng đầu tiên sau Tết Nguyên đán, chỉ số chứng khoán chính trên cả hai sàn TP HCM và Hà Nội đều giảm khá sâu. VN-Index thậm chí luôn duy trì màu đỏ và tuột khỏi mốc 540 điểm. Dù cuối phiên, tình trạng này đã được “cứu vớt” phần nào nhưng đóng cửa phiên khai xuân VN-Index vẫn giảm 0,96 điểm (0,18%) xuống 543,79 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,16 điểm (0,21%) xuống 76,74 điểm. Toàn thị trường ghi nhận tình trạng giao dịch ở mức thấp với gần 100 triệu chứng khoán, đạt giá trị 1.425 tỷ đồng. “Thời điểm này, nhà đầu tư cầm tiền vẫn là chắc ăn nhất” nhà đầu tư H. khẳng định.
Bất động sản nghỉ hết rằm tháng Giêng Ông Phạm Trung Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hoà Phát cho biết, ngày đầu tiên công ty chủ yếu họp mặt đầu năm, lãnh đạo công ty chúc Tết nhân viên và làm thủ tục khai xuân, chưa có khách hàng tới giao dịch. Cũng theo ông Hà, bất động sản đòi hỏi vốn lớn nên nhà đầu tư cũng không vội vàng trong bối cảnh không khí Tết và du xuân đang sôi nổi. Bên cạnh đó, các hoạt động như mở bán và tuyên truyền cho các đợt bán hàng đã được công ty thực hiện trước Tết nên phải sau Rằm tháng Giêng mới bắt đầu trở lại. Nói về triển vọng đầu tư, ông Phạm Trung Hà nhận định thị trường bất động sản năm nay khó đạt được con số tăng trưởng hơn 10% như năm 2014 và 2015 nhưng nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng được lợi nhuận hợp lý. Trong đó, phân khúc trung bình sẽ vẫn hút khách với một nguồn lực lớn tham gia. Đây cũng sẽ là phân khúc tạo sự sôi động của thị trường bất động sản trong năm nay. Đầu năm, tỷ giá đồng loạt tăng mạnh Ngày 15/2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VNĐ với USD là 21.873 đồng/USD, tăng 12 đơn vị. Các ngân hàng thương mại cũng tăng giá USD ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Tính tới thời điểm này, giá mua vào USD xoay quanh 22.268-22.330 đồng/USD, giá bán ra 22.330-22.400 đồng/USD. Cụ thể, Vietcombank, BIDV tăng 40 đồng cả hai chiều lên 22.330-22.400 đồng/USD; Vietinbank niêm yết 22.320-22.400 đồng/USD, tăng 30 đồng chiều mua vào và 35 đồng chiều bán ra. Cùng ngày, Eximbank niêm yết 22.310-22.400 đồng/USD, Sacombank 22.240-22.330 đồng/USD và Techcombank 22.268-22.398 đồng/USD... N.Dương |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận