Kinh tế

Vàng trong nước giảm 16 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh ngày 10/5

06/06/2024, 15:12

Ngày 6/6, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt giảm giá mua vào gần 2 triệu đồng, giá bán ra giảm 1 triệu đồng/lượng so với phiên hôm qua.

Giảm 16 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh ngày 10/5

Lúc 10h sáng nay 6/6, Ngân hàng Nhà nước công bố giá bán vàng miếng trực tiếp cho Agribank, BIDV, Viettinbank, Vietcombank và Công ty SJC là 75,98 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 1 triệu đồng so với phiên 5/6.

Theo đó, bốn ngân hàng thương mại Nhà nước niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra là 76,98 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với phiên hôm qua và cao hơn mức giá nhập từ Ngân hàng Nhà nước 1 triệu đồng.

Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng mua vào là 74,98 triệu đồng/lượng, giảm 1,8 triệu đồng so với ngày 5/6. Giá bán ra là 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán là 2 triệu đồng/lượng.

Vàng trong nước giảm 16 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh ngày 10/5- Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC lúc 11h ngày 6/6/2024 .

Ngày 6/6, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn 3,98 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch tiếp tục được thu hẹp thêm 1 triệu đồng so với phiên 5/6 (4,98 triệu đồng/lượng), bất chấp giá vàng thế giới bật tăng gần 30 USD/ounce, lên 2.355 USD/ounce khi chốt phiên giao dịch 5/6.

Lập tức, trên thị trường, các doanh nghiệp như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý... điều chỉnh giá vàng miếng SJC ngày 6/6 bằng mức giá của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC là 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại một số đơn vị như DOJI, giá vàng miếng mua vào giảm tới 1,9 triệu đồng/lượng.

Lúc 11h ngày 6/6, giá vàng nhẫn SJC niêm yết tại 73,5 - 75,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra; tăng 300 ngàn đồng/lượng so với ngày 5/6.

Vàng nhẫn DOJI giao dịch tại 73,7 - 74,25 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Vàng nhẫn PNJ mua vào 73,5 triệu đồng/lượng, bán ra 75,3 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn 99,99% khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Theo công ty phân tích dữ liệu WiGroup, lúc 11h ngày 6/6, giá vàng thế giới quy đổi ở mức 74 triệu đồng/lượng (đã bao gồm tất cả chi phí thuế, phí, vận chuyển, bảo hiểm, tỷ giá theo thị trường tự do...).

Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn 3,98 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch tiếp tục được thu hẹp thêm 1 triệu đồng so với phiên 5/6 (4,98 triệu đồng/lượng), bất chấp giá vàng thế giới bật tăng gần 30 USD/ounce, lên 2.355 USD/ounce khi chốt phiên giao dịch 5/6. Từ đầu tuần, giá vàng thế giới liên tục biến động với mức 20-30 USD một phiên.

Giá vàng thế giới giằng co trong khi chờ đợi động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần sau.


Dữ liệu kinh tế công bố vào tối 5/6 (theo giờ Việt Nam) cho thấy sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ với PMI đã tăng lên 53,8 điểm trong tháng 5 từ mức 49,4 điểm của tháng 4.

Giới phân tích cho rằng, bức tranh hỗn hợp của nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện tại sẽ làm phức tạp thêm các lựa chọn của Fed trong cuộc họp vào giữa tuần tới. Các cuộc tranh luận sẽ phải giải đáp câu hỏi liệu Fed sẽ thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay hay chỉ một mà thôi?

Nếu Fed chỉ tiền hành 1 đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, thị trường vàng sẽ kém hấp dẫn, ngược lại sức mạnh của đồng USD tiếp tục được củng cố.

Vàng còn giảm, dân không nên đầu cơ

So với mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng được thiết lập ngày 10/5, đến 6/6, mỗi lượng vàng SJC đã "bốc hơi" hơn 16 triệu đồng, tương đương gần 18%.

Trước đó, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho hay giá bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC có thể còn giảm. Ông cũng khuyến nghị người dân cần "rất thận trọng" mua vàng trong bối cảnh giá thế giới biến động hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết bản thân rất nhiều lần đưa ra quan điểm không nên đầu cơ vàng.

Ông Hùng nói chỉ nên mua vàng như một tài sản cất giữ, phòng ngừa rủi ro, đừng nghĩ chuyện kiếm lời ngắn hạn. "Nhà đầu tư cần tránh tâm lý đám đông, "đu đỉnh" nếu không muốn mất tiền", ông Hùng nhấn mạnh.

Vàng trong nước giảm 16 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh ngày 10/5- Ảnh 2.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp đáng kể (Nguồn:WiGroup).

Chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm giám đốc Think Future Consultancy, nhận xét Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn để tăng cung, giảm chênh lệch.

"Ai có nhu cầu mua chính đáng như tích trữ, cho tặng có thể đến ngân hàng thương mại mua, rất có thể được giá tốt hơn giá mua ở cửa hàng ngoài. Khi giá bán từ ngân hàng thấp hơn, bên ngoài tự phải giảm giá. Giảm giá chính là bình ổn, mục đích kéo giảm chênh lệch coi như đạt", ông Linh nói.

Tại phiên chất vấn sáng nay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, ngoài sử dụng các công cụ bình ổn thị trường vàng hiện nay, tới đây Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng. Việc này để bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định và ngăn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Hôm nay là ngày thứ tư các ngân hàng quốc doanh và SJC bán vàng miếng trực tiếp tới người dân, theo phương án bình ổn thị trường mới của cơ quan quản lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.