Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban QLDA) cho biết, đến nay số quận, huyện nằm trong ranh thu hồi mặt bằng của dự án Vành đai 3 TP.HCM đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công đạt hơn 40%, đáp ứng được tiến độ 70% mặt bằng từ nay đến cuối tháng 6.
Đến nay, dự án Vành đai 3 TP.HCM đạt tỷ lệ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công hơn 40%
Cụ thể, TP Thủ Đức có thể bàn giao ngay cho chủ đầu tư thi công là 14,887ha, huyện Củ Chi bàn giao 10,5ha đất, huyện Hóc Môn bàn giao 12,5ha đất và Bình Chánh 6,1ha đất.
So sánh với tiền đã chi, báo cáo nghiên cứu khả thi 1.533,152 tỷ/18.906,46 tỷ, đạt tỷ lệ 8,1%. UBND TP.HCM bố trí vốn năm 2023 là 1.533,152 tỷ/18.000 tỷ đạt tỷ lệ 8,51%.
Như vậy, theo 4 địa phương báo cáo là 1.533,152 tỷ/11.779,34 tỷ, đạt tỷ lệ 13,01%.
Cũng theo Ban QLDA, hiện dự án thành phần 1 và 2 của dự án Vành đai 3 TP.HCM đạt tiến độ theo quy định.
Đối với dự án thành phần 1, công tác thiết kế kỹ thuật như hồ sơ thiết kế kỹ thuật của 4 gói thầu xây lắp đã được Sở GTVT thẩm định và đã được Ban QLDA phê duyệt.
Từ nay đến cuối tháng 6/2023, Ban QLDA triển khai tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công công trình.
Còn dự án thành phần 2, TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã phê duyệt chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án. Hiện, Ban QLDA đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với số tiền hơn 5.624 tỷ đồng.
Hiện nay các địa phương đang khẩn trương chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho các hộ dân. Dự kiến, bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 để đáp ứng tiến độ khởi công 4 gói thầu xây lắp.
Vành đai 3 TP.HCM là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay ở phía Nam, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng (giai đoạn 1). Tuyến Vành đai 3 dài 76km là công trình liên vùng, đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Tuyến đường được dự kiến khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau 3 năm. Đây được xem là cung đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh, thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế phía Nam.
Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 47km đi qua TP Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 397ha, với 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 663 hộ phải giải tỏa trắng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận