Đường bộ

Vành đai 4 TP.HCM kết nối sân bay Long Thành, cảng biển ra sao?

19/11/2024, 22:08

Khi đi vào khai thác, sân bay Long Thành rất cần nhiều đường kết nối. Do đó việc có thêm đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ tạo thuận lợi cho hành khách, hàng hoá đến và đi từ sân bay này.

Đường Vành đai 4 TP.HCM có chiều dài khoảng 200km, riêng đoạn qua Đồng Nai là 45,54km. Dự án này hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo giao thông và logistics nhiều địa phương, tạo thành hành lang kinh tế mới nơi tuyến ngang qua.

Vành đai 4 TP.HCM kết nối sân bay Long Thành, cảng biển ra sao?- Ảnh 1.

Giao thông kết nối đến sân bay Long Thành hiện nay đang được quan tâm. Trong ảnh là nút giao lớn giữa cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường T1 nối vào sân bay.

Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng. Trong đó riêng chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom dân sinh hơn 10.000 tỷ đồng, còn thi công xây dựng tuyến chính là 14.000 tỷ đồng.

Giai đoạn phân kỳ 1 của dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 25,5m. Đường được chia hai dự án thành phần. Trong đó dự án thành phần 1-2 sẽ là giải phóng mặt bằng và xây dựng đường gom dân sinh. Còn dự án thành phần 2-2 sẽ xây dựng tuyến chính.

Dự án có điểm đầu tại xã Thừa Đức (thuộc huyện Cẩm Mỹ) giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó đi qua huyện Long Thành, Trảng Bom rồi kết nối về huyện Vĩnh Cửu và kết thúc tại cầu Thủ Biên đoạn giáp ranh giữa Đồng Nai với tỉnh Bình Dương.

Riêng đoạn qua sân bay Long Thành, Vành đai 4 sẽ đi song song với QL51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Như vậy hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên sẽ lưu thông về đến Bình Dương, rồi theo Vành đai 4 để về sân bay Long Thành và siêu cảng Cái Mép - Thị Vải hoặc cảng Phước An của Đồng Nai.

Vành đai 4 TP.HCM kết nối sân bay Long Thành, cảng biển ra sao?- Ảnh 2.

Đường Vành đai 4 đoạn ngang sân bay Long Thành sẽ chạy song song với QL51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đặc biệt, gần đây tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất thêm nút giao trên đường Vành đai 4 với đường tỉnh 769E để kết nối thuận lợi nhất đến sân bay Long Thành.

Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khi sân bay Long Thành đi vào vận hành, áp lực giao thông sẽ rất lớn. Do đó thêm đường 769E và nút giao giữa đường này với Vành đai 4 sẽ giảm được áp lực cho các tuyến giao thông hiện hữu.

Trong khi đó, Vành đai 4 qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng có điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha (thị xã Phú Mỹ), khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Hội Bài - Phước Tân (ĐT992).

Điểm cuối trên địa phận huyện Châu Đức, giáp ranh với Đồng Nai. Đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,23km, có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 8.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch, tuyến đường có 8 làn xe, bề rộng mặt cắt ngang 74,5m.

Trên tuyến có bố trí ba nút giao liên thông gồm với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ĐT992, ĐT991 (đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình) và đường quy hoạch quốc lộ 51C.

Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án qua địa phương dự kiến được đầu tư theo hình thức nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và một phần kinh phí xây lắp.

Về tiến độ chung của dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, Chính phủ đã giao UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập.

Tiếp theo, UBND TP.HCM báo cáo, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng hơn 200km. Trong đó đoạn qua TP.HCM dài 16,70km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23km, Đồng Nai: 45,54km, Bình Dương: 47,95km, Long An: 78,3km.
Giai đoạn 1, toàn dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt. Tuyến vành đai 4 TP.HCM dự kiến có quy mô 4 làn xe cao tốc, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, 23 nút giao và có đường song hành, đường dân sinh 2 bên theo nhu cầu giao thông từng địa phương.
Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 136.948 tỷ đồng (dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 49.902 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 37.028 tỷ đồng).
Cần “cú hích” cơ chế làm Vành đai 4 TP.HCMCần “cú hích” cơ chế làm Vành đai 4 TP.HCM

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM là dự án kết nối vùng, mang đến đột phá về hạ tầng cũng như phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế đặc thù khiến việc bố trí vốn không dễ, cần sớm được tháo gỡ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.