“Ổ dịch” tả lợn châu Phi nằm cách xa QL1
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trưa 19/3, nơi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi của hộ gia đình ông Tạ Hồng Uẩn (thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) và cũng là nơi phát hiện lợn dương tính với virus tả lợn châu Phi đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm cách QL1 khoảng 15km. Tuyến đường nối từ tỉnh lộ 11B vào thôn Hiền An và nhiều tuyến đường vào các ngõ xóm... cũng đã được rải vôi bột.
Đặc biệt, 2 chốt chặn “Khu vực xử lý bệnh, cấm người và phương tiện qua lại” đã được thành lập phía 2 đầu con đường dẫn vào các hộ dân gần gia đình ông Uấn và có người túc trực. Tại đây, cũng bố trí chậu hóa chất, máy bơm để phun khử trùng, tiêu độc khi có người hay phương tiện người dân ra vào.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, sau khi có kết quả công bố mẫu bệnh phẩm xét nghiệm lợn tại gia đình ông Uẩn dương tính với dịch tả lợn châu Phi, UBND xã đã cùng với các ngành chức năng kiểm tra hiện trường, khoanh vùng và lập 2 chốt kiểm tra, kiểm soát phòng và ngăn chặn lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn từ ngày 18/3. "Chúng tôi cũng đề nghị gia đình tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng để cung cấp các thông tin liên quan để xác định nguyên nhân...", ông Tuấn cho hay.
Người dân cần thực hiện “5 không” và không quay lưng với thịt lợn sạch
Ông Tuấn cũng cho biết, chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy nguồn thức ăn lợn còn dôi dư trong gia đình ông Uấn; vận động gia đình hạn chế đi lại và tiếp xúc với môi trường ngoài để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Huy động lực lượng tiếp tục tăng cường tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi…
Bên cạnh đó, xã Phong Sơn và ngành chức năng đã tuyên truyền 10 hộ gia đình trong xóm của ông Uẩn, kể cả những hộ không có chăn nuôi lợn đề phòng lây nhiễm bệnh ra ngoài. Thực hiện đúng cam kết “5 không” trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Ngoài ra, tại các thôn khác trên địa bàn, UBND xã đã cùng với các ngành chức năng liên quan tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng ngừa và đến nay tại các thôn khác chưa có dấu hiệu của bệnh dịch tả lợn châu Phi. “Sự việc được phát hiện, xử lý và khoanh vùng kịp thời”, ông Tuấn cho hay.
UBND xã Phong Sơn cũng đã chủ động mua 2 tấn vôi bột, tiếp nhận 130 lít hóa chất bencozid phun tiêu độc khử trùng tại các vị trí xung yếu, như khu vực gia đình ông Uẩn và khu vực chợ, các gia trại… Trước đó, UBND xã Phong Sơn đã ban hành Kế hoạch hành động về việc ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn xã; đồng thời, đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã.
Liên quan đến dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên lợn của hộ gia đình Tạ Hồng Uẩn ở thôn Hiền An, ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, hiện các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh đang điều tra làm rõ nguyên nhân phát sinh ổ dịch.
Theo ông Hùng, ông và lãnh đạo các cơ quan chức năng địa phương rất bất ngờ khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên đàn lợn của hộ gia đình ở xã Phong Sơn. Đây là xã miền núi, nằm cách tuyến QL1 qua địa bàn huyện khoảng 15km, trong khi các địa phương nằm dọc QL1 chưa xuất hiện dịch.
Khu vực hộ gia đình ông Uẩn tiếp giáp với các hộ gia đình của xã Phong Xuân và thôn Hiền An cách khu du lịch Thanh Tân khoảng 3km.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận