Sau khi cắn rách mặt bé Đức, con chó nhà lăn ra chết khiến gia đình chị Tuyết phát hoảng |
Hoảng hồn sau khi bị cắn, chó lăn ra chết
Ngày 21/5, tại Khoa Sọ - Mặt và Tạo hình, BV Nhi T.Ư, chị Bùi Anh Tuyết (Ba Vì, Hà Nội) xót xa ôm chặt cậu con trai tên Minh Đức mới 21 tháng tuổi trong lòng. Trên khuôn mặt bé chằng chịt vết khâu. Chị Tuyết cho biết, như mọi ngày, cậu con trai nhỏ vẫn nô đùa với chú chó nhà nuôi. Thế nhưng, chiều 16/5, sau khi đón con đi học về, tranh thủ đặt con ở ngoài hiên để quay vào pha nước tắm, chú chó nhà nuôi bất ngờ cắn nát mặt con. “Chỉ chưa đầy vài giây sau, tôi bất chợt nghe chó sủa rồi tiếng khóc thét thất thanh của con. Khi chạy ra đến nơi thì quá muộn, cả khuôn mặt thằng bé đầy máu. Tôi chỉ kịp bế con lên, vẫy xe cùng người nhà đưa đến bệnh viện”. Theo lời chị Tuyết, con chó này được gia đình nuôi đã 5 năm, vốn hiền lành và hay chơi với lũ trẻ. Có lẽ, do chó mới đẻ nên hung dữ lạ thường, con trai chị lao vào bế chó con nên chó mẹ đã xông ra cắn thẳng vào mặt cậu bé. Vết cắn khiến cả vùng má phải và phần sát mắt trái tạo nên vết rách lớn. Bé Minh Đức được chuyển thẳng lên BV Nhi T.Ư để phẫu thuật khâu lại vết rách trên khuôn mặt.
Để phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp: Gia đình cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; Nếu không may bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời... |
Điều đáng nói, chỉ ba ngày sau khi cắn vào mặt trẻ, chó mẹ lăn ra chết. “Ban đầu, nghĩ là chó nhà nuôi vẫn thường xuyên tiêm phòng nên tôi định không tiêm phòng bệnh dại cho cháu vì lo thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng, con chó đột nhiên chết nên tôi đã vội vàng cho con đi tiêm huyết thanh phòng bệnh dại. Và được hẹn 3 mũi kế tiếp. Hy vọng con không sao”, chị Tuyết cho biết.
Kém may mắn hơn là trường hợp nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Bắc Giang, nhập BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đầu tháng 3 với đủ dấu hiệu của bệnh dại. Theo người nhà bệnh nhân, gia đình vốn làm nghề thịt chó. Hơn một tháng trước, cô gái vào chuồng bắt chó đã bị một con chó khác cắn vào chân. Sau đó, người bị chó cắn không đi tiêm phòng bệnh dại. Sau 40 ngày, bệnh nhân bắt đầu lên cơn dại, với biểu hiện sợ nước, sợ gió, dễ bị kích động, tăng tiết nước bọt… Lúc này, gia đình mới hốt hoảng đưa cô gái vào viện. Tuy nhiên, tại viện, bác sĩ chỉ có thể giúp bệnh nhân bớt đau đớn, lo lắng, bồn chồn… chứ không thể điều trị. Gia đình bệnh nhân đành xin ra viện.
Theo cảnh báo từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine.
Không chủ quan sau khi bị chó cắn, mèo cào
BS. Đào Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Nhi T.Ư cho biết: “Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên, có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Sau khi bị chó dại cắn nếu tiêm phòng đúng phác đồ sẽ tránh được tử vong. Còn khi bệnh dại khởi phát, đồng nghĩa cơ hội sống khép lại vì bệnh này không có thuốc chữa”.
Ông Hải cho hay, thời gian ủ bệnh dại kéo dài từ nửa tháng đến vài ba tháng, thậm chí có thể lâu hơn. Việc này phụ thuộc vào vị trí cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị chó cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ.
Còn theo khuyến cáo của BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa bằng thuốc nam, làm mất cơ hội phòng bệnh, bởi chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa bệnh dại. Trong thời gian tiêm phòng vẫn cần tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày thấy con chó bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm.
Trước thông tin “vaccine, huyết thanh phòng chống dại có ảnh hưởng đến sức khỏe người bị tiêm”, BS. Hải khẳng định: “Không có chuyện đó, thuốc đã được kiểm nghiệm đảm bảo không gây hại cho sức khỏe người bị tiêm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận