Vật thể lạ rơi xuống Brazil năm 2012 |
Các nước trên thế giới như Mỹ, Australia, Brazil… từng chứng kiến rất nhiều vụ vật thể lạ như quả cầu hoặc "bóng vũ trụ" từ trên trời rơi xuống. Phần lớn trong số đó đã được các nhà khoa học chứng minh, không liên quan tới người ngoài hành tinh mà là “rác vũ trụ”; Số còn lại vẫn đang được tiếp tục điều tra.
Mỹ từng xảy ra một số vụ: nổi tiếng nhất là vụ xảy ra năm 1974 ở bang Florida, được gọi với tên Betz Sphere; Một vụ khác xảy ra trong khoảng thời gian 1979 – 1982 tại Alabama được gọi là “Quả bóng Alabama”; một vụ tương tự xảy ra vào năm 2008 tại Lousiana. Không chỉ tại Mỹ, những quả cầu tương tự “từ trên trời rơi xuống” cũng được tìm thấy tại Châu Phi, Australia và Trung Mỹ trong hai thập kỷ qua.
Trong đó, vụ vật thể lạ rơi ngày 2/22/2012 tại Brazil diễn ra gần giống quá trình vật thể lạ rơi ở Tuyên Quang. Một vật thể hình cầu bằng titanium rơi từ trên trời xuống thành phố Anapurus. Theo lời kể lại từ hiện trường cho thấy, sau chuỗi tiếng nổ như sấm sét, vật thể bí ẩn rơi xuống mặt đất. Vật thể hình cầu có kích cỡ bằng bình gas gia đình bình thường.
Vật thể lạ rơi xuống Australia những năm 1970 là một bộ phận từ tàu vũ trụ Agena-D của Mỹ |
Dù xảy ra như thế nào, điểm chung từ những vụ “vật thể lạ từ trên trời rơi xuống” đó là thường mang hình dạng quả cầu áp suất bằng titanium hoặc như bồn chứa nhiên liệu bằng thép. Trong đó, ở một số vụ, người ta xác định đây là “rác vũ trụ” chứ không như những lời đồn đại – đó là vết tích của người ngoài hành tinh hoặc các nền văn minh khác.
Tháng 9/2011, Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Mỹ ra bản báo cáo, cảnh báo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) về tình hình “số vụ va chạm các mảnh vỡ trong vũ trụ ngày càng nhiều và xuất hiện với tần suất dầy đặc. Những vật thể này có thể là các tên lửa bị bật ra hay vệ tinh bị vỡ”.
Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, một đơn vị quân đội có thể theo dõi các vật thể nhân tạo từ 10cm và lớn hơn cho biết, có hơn 22.000 mảnh vỡ vũ trụ đang nằm trong quỹ đạo. Thậm chí, NASA ước tính, có hàng trăm nghìn, tới hàng triệu mảnh vỡ nhỏ hơn, không thể theo dõi trong không gian vũ trụ.
Ông Brian Weeden, một cố vấn kỹ thuật đến từ Viện An ninh thế giới cho biết, trước tình hình đó, “các vệ tinh đang hoạt động trong không gian vũ trụ có nguy cơ bị phá hoại. Khi số lượng mảnh vỡ ngày càng tăng, chi phí chi cho các hoạt động vệ tinh ngày càng cao”.
Các mảnh vỡ vũ trụ còn nguy hiểm với các tàu vũ trụ có người lái. Trạm không gian vũ trụ thế giới từng được lệnh phải đóng cửa hồi tháng 6/2011 vì phát hiện một vật thể không xác định trong khoảng 335m. Rất may vụ việc không gây thương vong cho các phi hành gia.
Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ kêu gọi NASA tìm giải pháp để kiểm soát và dọn dẹp “rác vũ trụ” đang nằm trong quỹ đạo có thể ây ảnh hưởng tới các vệ tinh đang hoạt động hoặc tàu vũ trụ có người lái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận