Vất vả nghề duy tu, sửa chữa đường sắt - Ảnh minh họa |
Một trưa tháng 6, vào đúng thời điểm nắng gắt khủng khiếp trên dải đất Bắc Trung bộ, tôi theo tàu chợ từ Vinh vào, rồi nhảy tàu xuống cung đường sắt Phương Mộ (Hương Khê, Hà Tĩnh). Gọi là nhảy tàu, vì tàu chỉ dừng lại 1 phút trước cung đường cho vài bà con ở khu vực rừng rú lên xuống, lại không có ke ga nên từ sàn tàu xuống mặt đất khá cao.
Cung đường Phương Mộ nằm chơ vơ ở khu gian giữa hai ga, trên doi đất nhô ra bên cạnh đường sắt, trước mặt là núi, sau lưng là vực. Để đến được cung đường chỉ có đôi tàu chợ này, từ làng phải men theo con đường mòn chỉ vừa bánh xe dốc ngược lên núi. Vì không có đường bộ nên mưa hay nắng, anh em đều phải cuốc bộ đi làm, công trình gần còn đỡ, xa thì mấy cây số. Những ngày hè, anh em phải làm từ 5-6h sáng hoặc chiều dịu nắng đến khi trời nhọ mặt người để tránh cái nắng gay gắt trong ngày. Công việc cũng chẳng dễ dàng gì. Dù bây giờ đã có máy móc hỗ trợ nhưng vẫn phải làm thủ công là chính: Bê ray, tà vẹt, cuốc đá, nâng giật ray… đều bằng đôi tay, đôi vai cả. Nên anh nào anh nấy người như sắt lại. Tôi ấn tượng mãi hình ảnh một công nhân trẻ, mới hai năm vào nghề nhưng đen bóng, cười tươi chỉ vào cái răng sứt trên hàm răng trắng và những vết thâm tím trên tay nói vui: “Đá văng vào khi cuốc đá đấy… Nhưng vẫn duyên chán chị nhỉ”.
Anh em duy tu đường sắt dường như ở đâu cũng vậy, vẫn chỉ là “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, “cày” đường tàu sao cho đảm bảo các yếu tố kĩ thuật để tàu qua an toàn. Vất vả thế nhưng thu nhập chẳng là bao vì theo khoán sản phẩm. Như cung đường Bắc Thủy, cheo leo giữa khu vực đèo dốc Chi Lăng (Lạng Sơn) mà thu nhập của Cung trưởng cũng chỉ 4-5 triệu đồng/tháng. Anh em công nhân trẻ chỉ hơn 2 triệu đồng.
Còn như tuyến đường sắt Thống Nhất, lượng tàu qua lại nhiều, đơn vị nào có thêm công trình ngoài công ích, thu nhập anh em khá hơn chút ít. Khi tôi đến trụ sở Đội QLĐS cầu đường Sông Mao và Cung đường Sông Mao vào đầu giờ chiều mà vắng tanh, chỉ có Đội trưởng trực. “Anh em ra công trình hết rồi nhà báo ạ!”. Nắng Bình Thuận như thiêu như đốt thế này mà ra mặt đường? Đội trưởng chia sẻ: “Có công trình là có thu nhập, phải tập trung làm để hoàn thành khối lượng, tiến độ, hơn nữa đất Bình Thuận đang mùa mưa nên có nắng càng phải tranh thủ…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận