Người dân vay tín dụng tiêu dùng cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi ký kết hợp đồng vay vốn để tránh rủi ro - Ảnh minh họa: Tạ Tôn |
Hàng loạt ngân hàng, công ty tài chính có biểu hiện lừa gạt, cho vay “cắt cổ” người tiêu dùng (NTD), song đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý công khai. Tình trạng lộn xộn trong tín dụng tiêu dùng, theo một chuyên gia kinh tế, là có phần trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.
Vay tiêu dùng bị “khủng bố”
Là người trực tiếp tiếp nhận và xử lý các đơn thư, khiếu nại của NTD, ông Hồ Tùng Bách, cán bộ Phòng Tiêu dùng, Ban Bảo vệ NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) cho biết, ba năm nay ông đã nhận được rất nhiều khiếu nại của NTD trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, trong đó có trường hợp một phụ nữ mang bầu bị bức bách trái phép. Theo đó, chồng của người phụ nữ này đã kí hợp đồng vay tiền mua điện thoại tại một trong những trung tâm điện máy theo hình thức trả góp. Tuy nhiên, anh này không trả được nợ và bỏ trốn. Sau đó, liên tục có một nhóm người sử dụng nhiều số điện thoại lạ liên hệ, dọa dẫm, yêu cầu người vợ phải ký nhận nợ thay và trả giúp anh chồng. “Chị ấy đang mang bầu ở tháng thứ 4. Khi gọi điện tới cho chúng tôi phản ánh, chị ấy rất ấm ức và bức bách vì nhóm người kia không chỉ gọi điện từ sáng tới tối quấy rầy mà còn gặp mặt đe dọa”, ông Bách kể.
Cũng theo ông Bách, khi người chồng mua điện thoại, nhân viên công ty tài chính tại trung tâm điện máy yêu cầu người chồng kê khai cả tên và số điện thoại của người thân với lý do “cung cấp thông tin hỗ trợ”. “Không thể tưởng tượng là một công ty được pháp luật cấp phép hoạt động mà thực hiện hành vi không khác gì xã hội đen”, ông Bách nhận xét.
Đây là chỉ là một trong rất nhiều “lời kêu cứu” mà ông Bách và Ban Bảo vệ NTD nhận được từ các nạn nhân. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho hay, khiếu nại trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng chiếm 80% tổng số khiếu nại, tố cáo của NTD. Hiện, chưa có trường hợp nào dẫn tới tình trạng vỡ nợ, bán nhà do các khoản vay đều không lớn nhưng ảnh hưởng tới danh dự, cuộc sống của NTD.
Lãi suất “cắt cổ” đến 84%/năm
Tại Hội thảo Bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức ngày 13/7, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, hiện các trung tâm mua sắm đều liên kết với ngân hàng, công ty tài chính thực hiện dịch vụ mua hàng trả góp. Nhân viên thường để trống phần lãi suất và NTD ký vào. “Sau đó mục này nhân viên tự điền, muốn điền bao nhiêu thì điền. Lúc ấy NTD “bút sa gà chết”. Đến khi NTD nhận được hợp đồng thì giật mình vì lãi suất không phải 2-3%/tháng (24-36%/năm) như trao đổi miệng mà lên tới 60-70%/năm. Thậm chí, có trường hợp lãi suất cao nhất chúng tôi nhận được theo thông tin phản ánh là 84%/năm”, ông Hồ Tùng Bách cho hay.
Ngân hàng Nhà nước cũng có trách nhiệm Theo quy định hiện nay thì lãi suất cho vay tiêu dùng là thỏa thuận nhưng không vượt quá 13%/năm. Đây là điều không tưởng trong bối cảnh các công ty tài chính bị hạn chế trong huy động vốn, cộng thêm các chi phí khác như nhân viên, đi lại, hồ sơ... nên mức lãi suất này không thể thực hiện được. Trong khi đó, NTD cũng chấp nhận mức lãi suất cao hơn. Theo Bộ Luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực từ năm 2017, lãi suất trần cho vay tiêu dùng sẽ lên 20%/năm nhưng mức này cũng là lạc hậu. Để xảy ra tình trạng lộn xộn trong cho vay tiêu dùng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng có một phần trách nhiệm. Dự thảo Luật Tín dụng tiêu dùng đưa ra từ năm 2014 nhưng đến nay chưa thấy tiến triển. Sau khi Bộ Luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực, cơ quan chức năng cũng nên ban hành Luật Tín dụng tiêu dùng để quản lý hoạt động cho vay này. Bà Đinh Thị Thanh Nhàn, |
Ban Bảo vệ NTD cho biết, rất nhiều trường hợp phản ánh, họ đã liên hệ với các công ty cung cấp tín dụng để hỏi nhưng rất khó khăn. Đến trực tiếp công ty thì bị bảo vệ ngăn không cho gặp người có trách nhiệm. Liên lạc qua điện thoại thì được chuyển qua rất nhiều bên. Có trường hợp liên lạc được với nhân viên trực tiếp ký hợp đồng thì nhân viên này lại nói “đã nghỉ việc, không còn phụ trách, đề nghị liên hệ với công ty để được giải quyết”.
Cũng theo ông Bách, hiện công tác xử phạt chưa được thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ nên các ngân hàng, công ty không sợ. Các trường hợp giải quyết thông qua Hội Bảo vệ quyền lợi NTD cũng chỉ thiên về hòa giải và cân bằng lợi ích của các bên.
Vậy sao không công bố danh tính các ngân hàng và công ty tài chính bị khiếu nại để người tiêu dùng biết mà tránh? Trả lời PV Báo Giao thông, ông Bách cho biết, theo quy định thì Ban Bảo vệ quyền lợi NTD chỉ tiếp nhận, hỗ trợ NTD xử lý vụ việc, không có quyền công bố danh tính các đơn vị này. Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc Ban có phối hợp, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước xử lý các trường hợp ngân hàng, công ty tài chính bị NTD tố cáo, khiếu nại không, ông Bách cho biết, đã phối hợp với cơ quan này. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt công bố, cũng không có đơn vị nào bị “bêu” tên để người dân biết. Nếu vi phạm không bị xử phạt, không bị “bêu” tên thì chính là dung túng cho hành vi sai phạm. Có lẽ cũng vì được dung túng nên nhiều công ty tài chính giàu lên nhanh chóng. Theo thông tin ông Trịnh Anh Tuấn cung cấp, một công ty tài chính (ông Tuấn giấu tên) trong hai năm 2014 - 2015, lợi nhuận tăng gần 40%, tổng tài sản tăng 124% từ 2.600 tỷ đồng lên 5.800 tỷ đồng. “Lãi khủng thế này ở đâu ra nếu không là lãi suất cắt cổ”, ông Tuấn khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận