Cắt lỗ tháo chạy do sức ép tín dụng
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày đầu tháng 7, thị trường bất động sản "hạ nhiệt". Trên các diễn đàn không còn những dự án phân lô mới chào bán vô tội vạ. Những dự án bất động sản cũng im hơi do thiếu nguồn cung. Một số dự án "ồn ào" trước đó cũng vắng lặng do chưa hoàn thiện về pháp lý. Kéo theo đó là những lời chào bán bất động sản "cắt lỗ".
Lô đất nền của chị Nguyễn Thu Trang đang được rao bán cắt lỗ tại Thạch Thất
PV trong vai một nhân viên môi giới, chị Nguyễn Thu Trang (Hoàng Mai) chia sẻ với PV, lô đất chị đang rao bán cắt lỗ, diện tích 750 m2 tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Giá bán chị mong muốn là 3,5 tỷ đồng (4,6 triệu đồng/m2).
Chị Trang cho biết, giá lô đất này chị mua cuối năm 2021 là 3,75 tỷ đồng. Nhưng, hiện tại do đang cần tiền trả ngân hàng, tôi buộc phải rao bán cắt lỗ, giảm 250 triệu đồng so với giá lúc mua vào.
Chị Trang cho biết, chị đang vay ngân hàng ngót 2 tỷ đồng, kéo dài thời gian vay nên mỗi tháng đang trả 30 triệu đồng. Chị tính toán trước khi mua, nếu bán khoảng 5 tỷ, chị sẽ có lãi hơn 1,2 tỷ đồng. Nếu vay và trả trong vòng 5 tháng thì chị phải trả là 150 triệu đồng cả gốc cả lãi. Với tính đoán đó, chị đã vay dư 150 triệu để trả trong 5 tháng.
Thế nhưng lợi nhuận chưa thấy đâu, hết 150 triệu để dành trả nợ 5 tháng, lô đất trên vẫn trơ trơ chưa ai hỏi mua. Thu nhập hàng tháng 20 triệu, không đủ trả lãi, chị bắt buộc"cắt lỗ". Như vậy còn hơn kéo dài thêm nửa năm đến 1 năm nữa sẽ bay thêm 150 triệu - 300 triệu đồng, chị Trang chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Quốc Dũng (Ba Đình) cũng đang loay hoay bán lô đất nền ở huyện Thạch Thất để thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng.
Anh Dũng cho biết, đầu năm 2021, anh mua lô đất diện tích 60 m2 tại xã Tân Xã với giá 1,2 tỷ đồng, tương đương 20 triệu đồng/m2. Giờ anh đang rao bán cắt lỗ, thấp hơn giá mua 200 triệu đồng so với giá mua vào.
"Với mục đích đầu tư, phần lớn số tiền mua đất trên tôi là vay mượn ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại thị trường đang chững lại, bên cạnh đó, ngân hàng rục rịch tăng lãi suất khiến tôi lo lắng và rao bán cắt lỗ. Nếu may mắn bán được luôn, tôi chỉ lỗ một ít, chứ để lâu tôi mất luôn cả vốn", anh Dũng nói.
Chứng kiến nhiều cảnh trái ngang, anh Hoàng Văn Phúc, Giám đốc Đại Phúc Land, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Hoà Lạc xác nhận, tình trạng khách hàng có nhu cầu bán cắt lỗ đất nền tăng nhanh thời gian gần đây. Mỗi tháng anh nhận ký gửi khoảng 20-30 trường hợp. Những trường hợp này đều rơi vào những nhà đầu tư không chuyên, sử dụng đòn bẩy tài chính.
Thị trường giảm nhiệt, lo vỡ bong bóng cục bộ
Theo Báo cáo thị trường của Công ty Cổ phần Property Guru Việt Nam, bất động sản quý II cho thấy, mức độ quan tâm với đất nền tại miền Bắc và miền Nam giảm lần lượt 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23%. Các thị trường giáp ranh Hà Nội cũng ghi nhận kịch bản tương tự. Đất nền Bắc Ninh, Hưng Yên mức độ quan tâm giảm 17%. Tại TP.HCM ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%.
Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Property Guru Việt Nam Nguyễn Quốc Anh, mức độ quan tâm đến bất động sản có dấu hiệu "giảm nhiệt" tại nhiều phân khúc, nhiều thị trường trong quý II.
Ông Anh nhận định, trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá bất động sản giảm. Qua những biến động lớn của thị trường thời gian qua, nhà đầu tư đang có tâm lý cẩn trọng hơn. Nguyên nhân là bởi bên cạnh nhu cầu mua để ở luôn hiện hữu, xu hướng đầu tư của thị trường đang hướng tới các mục đích dài hạn.
Nhận định thị trường từ nay đến cuối năm, ông Quốc Anh cho rằng, đất nền vẫn sẽ là loại hình triển vọng nhất của thị trường. Đây là tài sản đầu tư gắn với tâm lý "ăn chắc mặc bền" của người dân.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp dựa vào vay ngân hàng để phát triển dự án sắp tới sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án, thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô. Trong khi những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay, lãi suất vay mua bất động sản tăng cao.
Thậm chí, một số chuyên gia bất động sản còn lo ngại rằng, đến một thời điểm nhất định, giá tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng sẽ vỡ, giao dịch giảm mạnh, kéo theo giá bất động sản cũng giảm mạnh, gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế.
"Thị trường hiện nay đang đứng hình. Tức là thanh khoản giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều. Song, thị trường đóng băng nhiều khi còn nguy hiểm hơn bong bóng bởi khi đó, những người ôm đất không bán được, không ít người rơi vào cảnh tay trắng ", TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận