Thị trường

VCCI: Hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm, 36 kiến nghị tháo gỡ

09/04/2020, 06:05

Khảo sát nhanh của VCCI cho thấy, hơn 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động, hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm.

img
Khảo sát nhanh của VCCI cho thấy, hơn 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động, hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm. Ảnh minh họa

75% doanh nghiệp phải giảm lao động

Theo kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 3 tháng đầu năm, cả nước có tới gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, con số kỷ lục từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, kết quả khảo sát nhanh của VCCI thực hiện cuối tháng 3 và đầu tháng 4 cũng cho thấy tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng.

Theo đó, có tới gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm.

Bên cạnh đó, có tới 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019; Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Cũng theo kết quả khảo sát này, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động.

“Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây”, ông Lộc cho biết.

Hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước tình hình khó khăn này cũng đã có 73% số doanh nghiệp đã có chính sách hỗ trợ người lao động.

VCCI cũng cho hay, các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Đơn cử, có hơn 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà.

Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.

“Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt”, ông Lộc cho hay.

36 kiến nghị tháo gỡ

Trên cơ sở tập hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, trước đó, Chủ tịch VCCI cho biết đã có công văn số 0210/PTM-PTDN ngày 25/2/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp; Đồng thời kiến nghị các giải pháp dài hạn và đề xuất 12 giải pháp ngắn hạn có tính chất cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 và khó khăn của doanh nghiệp ngày càng gia tăng, sau khi có kết quả khảo sát nhanh tình hình doanh nghiệp nói trên, VCCI đã họp trực tuyến với lãnh đạo của gần 100 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp, ngoài các giải pháp đang được các bộ ngành và địa phương triển khai, ngày 6/4/2020 Chủ tịch VCCI tiếp tục gửi công văn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ 36 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới liên quan tới chính sách tín dụng, chính sách tài khóa, chính sách lao động, tiền lương, công đoàn…

Trong đó, VCCI kiến nghị trừ một số ngành/lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp như hiện nay.

VCCI cũng đề nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa.

Bởi ông Lộc cho rằng, hiện nay dù đã có quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo Luật giá, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên các địa phương đang có cách hiểu khác nhau về hàng hóa thiết yếu, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp như không cho phép lưu thông hàng hóa, nguyên liệu, đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, đình chỉ việc thi công của công trường xây dựng. Mặt khác, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh theo chuỗi nên tất cả các khâu của quá trình sản xuất, phân phối đều liên quan tới nhau, cần phải bảo đảm đồng bộ thì cả chuỗi mới hoạt động được, không thể xử lý cứng nhắc chỉ cho phép sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cuối cùng.

Ngoài ra, VCCI cũng kiến nghị thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng của các bộ ngành còn chậm, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng. Các chính sách này cần được áp dụng với hệ thống các ngân hàng thương mại vì các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp.

Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Đề nghị giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh; Đề nghị cho thực hiện ngay việc hồi tố với chi phí lãi vay khi tính thuế trong 2 năm 2017 và 2018…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.