Tên món lẩu cù lao xuất phát từ hình dạng của chiếc nồi. Chiếc nồi tròn có quai, ở giữa là một ống nhôm rỗng nhô lên dành để đựng than. Sức nóng từ than trong ống nhôm sẽ làm nóng phần nước dùng trong nồi mà không cần phải dùng đến bếp gas hay bếp cồn dưới đáy nồi.
Ống nhôm ở giữa nồi lẩu làm người ta nhớ đến những mảnh đất cù lao nổi lên giữa sông ở miền Tây bao quanh là nước.
Lẩu cù lao chính là một món ăn đặc trưng ở miền Tây nấu theo vị ngọt tự nhiên của các nguyên liệu rau củ và tim, gan heo (lợn)... Sở dĩ món ăn có tên cù lao chỉ đơn giản dựa vào dụng cụ nấu được gọi tên cù lao, loại nồi có phần nhô cao lên ở giữa để chứa than giữ độ nóng cho đồ ăn.
Để nấu nồi cù lao ngon cũng lắm công phu, không chỉ ngon về hương vị mà còn phải đẹp về hình thức, thể hiện sự khéo léo của người làm và sự chuẩn bị tươm tất của gia chủ.
Nguyên liệu trong nồi cù lao được chọn lựa kỹ lưỡng và tươi ngon trước khi sơ chế, có gan, tim heo, mề gà (vịt), thịt băm cuốn bắp cải, tôm, mực.
Lẩu cù lao có bắt mắt, đủ sắc hay không là phải nhờ tay người tỉa tót hoa lá trang trí được làm từ cà rốt, bắp cải, củ cải trắng, hành lá, ngò rí, ớt đỏ. Rau củ tỉa xong được ngâm vào nước đá lạnh để giữ độ tươi và nở xòe đẹp mắt.
Mang lẩu cho khách xong thì người phục vụ mới châm nước dùng vào nồi và đậy nắp lại để món nhanh sôi. Lúc này, xung quanh bàn được bày biện thêm bún tươi và chén nước mắm ớt cay nồng, mặn mà để chấm các nguyên liệu thưởng thức.
Cù lao hoặc có thể gọi là cồn được định nghĩa là vùng đất nổi trên sông cũng giống như nơi được gọi là đảo ở các vùng biển. Ở đó cũng có người dân và cuộc sống sinh hoạt như bình thường, chỉ là phạm vi địa lý nhỏ hơn.
Ở Việt Nam, cù lao hầu hết xuất hiện ở miền Tây do phù sa bồi đắp trong thời gian dài, chẳng hạn như: cù lao Dài ở Vĩnh Long, cù lao Thới Sơn ở Tiền Giang, cù lao Dung ở Sóc Trăng...
Cảnh vật thiên nhiên hữu tình, gợi nhớ nét quê xưa.
Vừa thưởng thức món lẩu cù lao, vừa ngồi ngắm hoàng hôn trên cánh đồng lúa non gợi nhớ hồn quê đậm đà tình nghĩa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận