Đời sống

Về Cà Mau gặp "vua cá chình" học cách kiếm tiền tỷ

10/03/2022, 11:44

Hơn 22 năm gắn bó với nghề nuôi cá chình, ông Bảy Ánh hiểu rõ hơn ai hết để có được thành công, người nông dân cần sự cần mẫn và kiên trì.

Cơ duyên bất ngờ

Trong những ngày đầu tháng 10/2022, chúng tôi có dịp trở lại thăm mô hình nuôi các chình của ông Nguyễn Hữu Ánh (thường gọi Bảy Ánh, 65 tuổi, ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), người được gọi là “ông vua cá chình”.

Có thâm niên hơn 22 năm trong nghề nuôi cá chình, ông Bảy Ánh chia sẻ, vào khoảng năm 2000 ông đang canh tác lúa và nuôi loài cá bống tượng.

Trong những lần bán cá, ông được người thương lái giới thiệu và khuyên nuôi con cá chình cho năng suất cao.

Nhưng ông chỉ nghe qua và rất mơ hồ về loài cá được xem là "độc lạ" lúc bấy giờ, ở Cà Mau cũng rất hiếm người nuôi.

img

Trung bình mỗi năm ông Bảy Ánh thu lời hơn từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng từ mô hình nuôi cá chình thương phẩm.

Sau đó, ông Bảy Ánh đào một ao gần nhà để nuôi thử nghiệm khoảng 400 con cá chình giống. Ông nghĩ nuôi cho biết, chứ không ngờ sẽ thành công với loài cá này.

Vốn có kinh nghiệm từ việc nuôi cá bống tượng, ông Bảy Ánh không gặp nhiều khó khăn trong nuôi cá chình.

Sau 18 tháng thả nuôi, ông tát ao bán được 330 con cá chình với trọng lượng từ 1 - 3 kg/con, thu về số tiền khoảng 65 triệu đồng.

“Sau vụ đầu tiên cho năng suất chấp nhận được, tôi tiếp tục thuê cơ giới đào thêm 8 ao mới và bắt con giống về thả nuôi với chi phí khoảng 40 triệu đồng.

Kể từ đó, gia đình tôi có thêm thu nhập ổn định, thậm chí vươn lên khá giả nhờ mô hình nuôi cá chình này”, ông Bảy Ánh chia sẻ.

Thấy mô hình nuôi cá của ông Bảy Ánh đạt hiệu quả cao, nhiều người địa phương đã học tập, phát triển nuôi cá chình và trở thành một phong trào có tiếng ở địa phương vào những năm 2014, 2015. Trong số này đã có không ít người vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Theo ông Ánh, cá chình rất ít bệnh, dễ nuôi, thức ăn loài này chủ yếu là cá tạp có nhiều tại địa phương như cá phi. Về cơ bản, nuôi cá chình không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì.

“Trước khi thả giống, nông dân cần chú ý cải tạo ao tốt. Ao sau khi đào thì lấy nước vô ngâm khoảng 15 - 20 ngày. Sau đó, tát nước bỏ lấy nước mới vào. Kế đó, phải xử lý nước bằng vôi bột và sát khuẩn.

Kể từ lúc đào ao đến khi thả giống phải từ 25 ngày và mực nước để nuôi cá chình là khoảng 1,6 mét.

Trong quá trình làm ao nông dân cần lưu ý phải để bờ ao dốc theo hướng khi trời mưa nước phải chảy ra ngoài. Nếu không, cá chình sẽ theo dòng nước đổ vào ao mà thoát ra ngoài”, ông Ánh lưu ý.

img

Mỗi con cá chình thương phẩm cân nặng khoảng từ 4 - 5 kg.

Mở rộng ao nuôi, thu lãi tiền tỷ

Đến năm 2019, ông Ánh quyết định đầu tư hơn 8 tỷ đồng mua 5,5 ha đất tại ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau để xây dựng mô hình nuôi cá chình với 30 ao nuôi, mỗi ao 800 m2. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm ông thu lời từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng.

Theo kinh nghiệm nuôi cá chình lâu năm, ông Ánh lựa chọn con giống loại 10 con/kg (giá khoảng 1,2 triệu đồng). Để hạn chế các bệnh đường ruột, ông Ánh cho cá chình ăn một ngày, nghỉ một ngày và theo một thời điểm cố định.

Cũng theo ông Bảy Ánh, để cá chình phát triển tốt và ít bệnh, sau khoảng từ 7 - 8 tháng nuôi nông dân nên sang ao một lần theo cách thông thương là phân cỡ cá chình, cho cá lớn và nhỏ sang những ao khác nhau.

Đồng thời, cải tạo lại ao cũ chuẩn bị nuôi lứa cá mới. Từ khi thả giống đến khi thu hoạch phải sang ao 2 lần.

Việc này ngoài giúp môi trường sống của cá chình bớt ô nhiễm mà còn giúp con cá lớn nhanh, ít hao hụt.

Thông thường, sau khoảng 20 tháng nuôi, ông Ánh sẽ thu hoạch cá một lần. Với 39 ao nuôi, ông thu hoạch luân phiên, đảm bảo mỗi năm đều có thu hoạch.

Hiện tại, trung bình 1 kg cá chình thương phẩm sẽ tốn khoảng 10 kg cá làm thức ăn. Nếu chăm sóc tốt, cứ bán 1 kg cá chình người nuôi có thể thu lãi từ 50 - 60%.

Hiện cá chình thương phẩm đang được thương lái địa phương thu mua với giá từ 400.000 - 420.000 đồng/kg.

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Thành, toàn xã này có hơn 7 ha nuôi cá chình, nhờ loài cá trên mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

“Thời gian tới, để giúp bà con an tâm với mô hình cá chình thương phẩm, địa phương sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng có hướng mở rộng, liên kết thị trường tiêu thụ, giúp mô hình được duy trì ổn đình, bền vững hơn”, lãnh đạo UBND xã Tân Thành cho biết thêm.

Cá chình thuộc họ cá da trơn với lớp da dày và nhớt, thân tròn lẳng và dài chừng 40 - 50cm, đuôi dẹt, đầu nhọn, bụng màu xám hoặc trắng nhạt. Thoạt nhìn sẽ trông giống con lươn hoặc rắn biển, nặng trung bình từ 4 - 5 kg.

Thịt cá chình có màu trắng, săn chắc, béo và dai ngọt, nhiều chất béo và đặc biệt là rất giàu các loại vitamin, thường được chế biến thành các món được xem là “khoái khẩu” như: nướng muối ớt, lẩu chua, cá chình nấu canh măng chua, cá chình nấu chuối…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.