Cù lao Giêng (huyện Chợ Mới, An Giang) nổi bật là thánh đường có kiến trúc đặc biệt và lâu đời nhất miền Tây.
Vào thời điểm này, bà con giáo dân nơi đây đã trang hoàng nhà cửa và thánh đường để cùng đón ngày lễ Giáng sinh an lành trong tình hình dịch bệnh.
Đường xá được trang hoàng lộng lẫy trong ngày lễ Giáng sinh.
Vùng đất cù lao Giêng cách đây hơn 240 năm là nơi khai sinh ra giáo xứ cù lao Giêng, được cho là một trong những giáo xứ lớn và lâu đời nhất ở miền Tây Nam Bộ.
Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với những kiến trúc tôn giáo cổ đại, đồ sộ tạo nên sự khác biệt cho vùng đất cù lao.
Nằm hướng mặt ra dòng sông Tiền, có một ngôi thánh đường uy nghi, cổ kính được xây dựng theo lối kiến trúc Châu Âu.
Đó là thánh đường cù lao Giêng hay còn gọi là thánh đường họ Đầu Nước (nằm ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), là nhà thờ Thiên Chúa giáo thuộc giáo phận Long Xuyên (An Giang).
Công trình này được một linh mục người Pháp xây dựng, đến nay đã có lịch sử tồn tại gần 150 năm được xem là nhà thờ có lối kiến trúc đặc biệt và lâu đời nhất miền Tây.
Người dân tất bật trang trí nhà đón lễ, mong một năm tốt lành sẽ đến.
Nhân ngày lễ Giáng sinh, PV có dịp về với xã Tấn Mỹ để tìm hiểu không khí đón lễ vui vầy của bà con giáo xứ.
Xã Tấn Mỹ là địa phương có nhiều đạo giáo như Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài giáo và Công giáo... trong đó có 5.428 người dân thuộc Công giáo, tập trung chủ yếu ở ấp Tấn Bình, Tấn Hòa và Tấn Long.
Theo giáo dân địa phương, đối với đồng bào Công giáo, ngày Giáng sinh quan trọng cũng như ngày Tết của người ngoài đạo.
Lễ Giáng sinh được tổ chức vào hai ngày 24/12 và 25/12, trong đó, ngày 25/12 là “lễ chính” còn đêm 24/12 là “vọng lễ”, mỗi thời điểm sẽ diễn ra từng hoạt động khác nhau.
Vào đêm 24/12, ở thánh đường hay tại mỗi hộ gia đình đều trang trí hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng Chúa Hài đồng, tượng Đức Mẹ Maria. Ở xung quanh đó là những chú lừa, tượng Ba Vua, một số thiên thần, thánh Giesu...
Đối với người dân trong đạo thì ngày 25/12 mới là ngày lễ chính thức còn đêm 24/12 chỉ là phụ, nhưng ở buổi lễ phụ tại những nhà thờ sẽ có nhiều người đến tham dự hơn.
Thánh đường cù lao Giêng được xem là nhà thờ có kiến trúc đặc biệt và lâu đời nhất miền Tây.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên thánh đường thưa vắng. Ông Nguyễn Văn Bạc (thành viên Hội đồng phục vụ nhà thờ cù lao Giêng) cho biết, vào thời điểm này của những năm trước, không chỉ người trong đạo mà người ngoài đạo cũng sẽ tập trung đến nhà thờ để chụp hình và tham quan.
Thêm vào đó, mỗi năm khi đến những ngày lễ chính và phụ, giáo dân sẽ đến nhà thờ để cầu nguyện cho một mùa Giáng sinh an lành, ấm áp và một năm mới tràn ngập hạnh phúc và kèm theo đó là tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ như tổ chức thi đua trang trí hang đá và máng cỏ, lễ rước kiệu Chúa hài đồng, tổ chức giao lưu văn nghệ chào mừng Chúa Giáng sinh...
Nhưng do năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp nên nhà thờ chỉ thực hiện phần thánh lễ và giảm bớt nhiều hoạt động tập trung đông người.
Khách đến tham quan rất ý thức về việc đeo khẩu trang, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Đối với bà con giáo dân địa phương, so với những năm trước thì năm nay không khí vui tươi của ngày lễ giảm xuống nhiều do dịch bệnh. Tuy có chút buồn nhưng đây cũng là tình hình chung vì vậy bà con cũng rất ý thức trong việc đón lễ để cầu mong cho dịch bệnh nhanh qua”, ông Bạc nói.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, ngoài việc giảm bớt nhiều hoạt động vui lễ nhà thờ cù lao Giêng cũng chuẩn bị nhiều biện pháp phòng dịch cho giáo dân khi đến thực hiện nghi lễ tại thánh đường.
Một gốc của thánh đường cù lao Giêng.
Cha Sở Phêrô Nguyễn Đức Dũng (Giám mục nhà thờ cù lao Giêng) chia sẻ, tuy đã giảm nhiều hoạt động tập trung đông người nhưng để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch được thực hiện tốt nhất thì bà con đến nhà thờ phải đảm bảo một số quy định, như: tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng chống Covid-19, đeo khẩu trang xuyên suốt.
Bên cạnh đó, nhà thờ còn bố trí máy đo thân nhiệt và xịt khử khuẩn trước khi vào thánh đường. “Nhà thờ Cù Lao Giêng thực hiện đúng theo chỉ thị của Nhà nước về công tác phòng chống dịch.
Xã Tấn Mỹ mức độ dịch đang ở cấp 1 và đơn vị ở cấp độ này được quy định ra sao chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm theo đúng. Đồng thời, bà con giáo dân khi đến đây nhất định phải thực hiện đúng 5K”, Cha Sở cho biết.
Địa bàn xã Tấn Mỹ có 3 nhà thờ (Đức Bà cồn Trên, cồn Én và lớn nhất là nhà thờ cù lao Giêng), dù đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp, tuy nhiên thời gian qua linh mục tại các nhà thờ và giáo dân tại địa phương vẫn vượt qua khó khăn để nhiệt tình hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch.
Bà Phạm Thị Hạnh Trinh - Phó chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ cho biết: “Thời gian qua, các linh mục và bà con giáo dân trên địa bàn đã tham gia hỗ trợ rất nhiều cho Ban Chỉ đạo xã Tấn Mỹ về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bà con giáo dân đóng góp và tham gia nấu ăn hàng ngày cho các khu cách ly, phong tỏa và thực hiện thêm rất nhiều hoạt động phòng chống dịch khác”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận