Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn nêu cao tinh thần thượng võ
Nét văn hóa đặc sắc của người vùng biển Đồ Sơn
Hàng năm, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng được tổ chức vào ngày 9/8 (âm lịch). Nhưng để có những con trâu phục vụ lễ hội đó, các chủ trâu phải có sự chọn lọc, rèn dạy, chuẩn bị hàng năm trời.
Sau lễ hội chọi trâu, rước giải về làng trong niềm hân hoan
Công phu chọn, rèn trâu chọi
Để có những ngày hội náo nức, người dân Đồ Sơn phải chuẩn bị rất công phu trong khoảng 8 tháng trời. Theo người dân Đồ Sơn thì điều quan trọng bậc nhất là việc tìm và nuôi dưỡng trâu.
Thông thường, sau Tết Nguyên đán, các sới chọi đều cử người có nhiều kinh nghiệm đi khắp nơi để mua trâu, có khi họ phải lặn lội hàng tháng trời vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, lên tận Tuyên Quang, Bắc Kạn thậm chí sang tận Lào, Myama… mới tìm được con trâu vừa ý.
Ông Hoàng Gia Bổn, một nghệ nhân dân gian về chọi trâu Đồ Sơn, chủ trâu đạt nhiều giải và có nhiều năm kinh nghiệm cho biết: "Chọn trâu là một công việc cầu kỳ và tỉ mỉ. Trâu đủ tiêu chuẩn phải có 12 tiêu chí như chọn những con trâu đực khỏe mạnh, gan lỳ, có khả năng chống chịu được đòn của đối phương. Thông thường việc chọn những chú trâu da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp là lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng…"
Theo ông Bổn, trâu chọi phải có ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng càng tốt. Háng trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu càng nhọn càng quý. Sừng trâu phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ, mặt trâu giống mặt ngựa là trâu chọi hay…
Để có được trâu chọi ưng ý là quá trình rèn luyện, chăm sóc công phu từ dắt trâu ra đồng, tràm bùn, chạy... để rèn thể lực cho trâu
Ông Lê Đình Ngân (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng), người từng chăm sóc, rèn luyện nhiều trâu chọi thắng cuộc chia sẻ: Sau khi chọn trâu, để thuần hóa được trâu chọi lại tiếp tục là quá trình công phu.
Những ngày đầu khi trâu mới về nhà, để làm quen với nó, phải ôm ấp, vỗ về để trâu quen mặt người, thậm chí còn cởi chiếc áo đang mặc cho con vật ngửi thấy mùi mồ hôi của mình.
Mỗi người chỉ nuôi một con trâu chọi để tránh sự va chạm giữa các con trâu. Hàng ngày, quản trâu phải chọn loại cỏ mà trâu ưa thích để cắt cho trâu ăn, rèn thể lực, huấn luyện trâu các thế võ như cáng hầu, hổ lao… rèn trâu quen với sự ồn ào, náo nhiệt của lễ hội.
Trâu chọi được chăm sóc chu đáo
Lễ hội của tình đoàn kết
Lễ hội chọi trâu còn gọi là đấu ngưu, một tập tục cổ có từ xa xưa với nhiều nghi lễ trang trọng, rước kiệu thần có lọng che, phường bát âm…Vì lẽ đó, trước đây những trâu chiến thắng trong hội được đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần. Về sau này những trâu đạt giải nhất tổng được rước bát hương đền Nghè và rước cờ đại "Thượng đẳng thần" về làng, người dân giết thịt làm lễ hiến sinh tế lễ dâng thành hoàng, xin thành hoàng cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cho mùa đánh cá sau được may mắn.
Lễ hội chọi trâu gồm phần lễ chính là lễ tế thần Điểm Tước (vị thuỷ thần, và cũng là Thành hoàng làng của cả vùng Đồ Sơn).
Lễ tế thần ngày hội chọi trâu là lễ lớn nhất trong năm của người Đồ Sơn. Kết thúc hội chọi trâu Đồ Sơn là một cuộc rước giải trâu nhất về đình làm lễ tế thần. Cuộc rước này phải có tất cả mọi người dân Đồ Sơn, gồm cả chủ trâu thua cuộc, để biểu thị sự đoàn kết, vô tư, cùng đồng lòng mừng ngày vui chung.
Trâu nhất hàng tổng được phần thưởng là một lá cờ vóc hồng thêu hai chữ "Thượng đẳng thần" bằng kim tuyến, một bát hương bằng đá xanh đem theo đám rước trở về.
Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt, dân Đồ Sơn lấy một bát tiết cùng một ít lông (mao huyết) và đuôi của trâu để cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần…
Nếu như, cộng đồng địa phương các nơi khác lưu truyền về lễ hội của mình với câu "Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ", thì Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gắn với truyền thống "trống mọi làng cùng đánh, thánh mọi làng cùng thờ" để tưởng nhớ công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, để cầu nguyện cho "nhân khang, vật thịnh", để tinh thần đoàn kết, ý thực cộng đồng được duy trì, khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận