Bệnh nhân trong làng phong Quy Hòa - Ảnh: Tạ Tôn |
Từ trung tâm TP Quy Nhơn, Bình Định, đi khoảng 4km trên con đường quanh co nằm giữa núi và biển, chúng tôi đã đến Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa, thuộc phường Ghềnh Ráng. Nơi đây trước kia chính là Trại phong Quy Hòa, nơi thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử từng sống những ngày cuối đời trong đau đớn, bệnh tật.
Dùng bút lửa khắc ghi thơ Hàn
Theo nhà nghiên cứu, nghệ nhân Dzũ Kha (SN 1969, tên thật là Trương Vũ Kha, quê Phù Cát, Bình Định), người vốn được biết đến với việc 35 năm qua nghiên cứu, viết sách và dùng bút lửa khắc ghi thơ Hàn trên các mảnh gỗ thông để làm quà tặng cho khách du lịch, giúp những người yêu thơ Hàn lưu giữ kỷ niệm, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ Hàn Mạc Tử mất vì bệnh phong. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.
Nhà nghiên cứu Dzũ Kha kể, gia đình Hàn Mạc Tử phát hiện những dấu hiệu bệnh phong của ông từ năm 1935 và sau đó vài năm, ông bắt đầu đau đớn dữ dội. Tất cả những cơn đau ấy, Hàn Mạc Tử đều trút vào những vần thơ. Cho đến khoảng bốn năm sau, khi bệnh phong đã ở những giai đoạn cuối, Hàn Mạc Tử mới được đưa đến chữa trị tại Trại phong Quy Hoà. Sau những cơn đau dữ dội, ông mất vào rạng sáng 11/11/1940 tại nhà thương này vì chứng bệnh kiết lỵ, khi còn chưa kịp điều trị bệnh phong. Chứng kiết lỵ là do trước đó ông đã uống quá nhiều loại thuốc của lang băm, khiến lục phủ ngũ tạng gần như bị phá hủy.
Cho đến nay, tại Trại phong Quy Hòa vẫn lưu giữ nguyên căn phòng mà Hàn Mạc Tử từng ở trong những ngày cuối đời. Trước căn phòng có chiếc bàn gỗ nhỏ, bên trong có chiếc giường và manh chiếu cói cùng rất nhiều các bức ảnh, tập thơ hay bút tích mà Hàn Mạc Tử để lại. Hàng ngày, vẫn có rất nhiều du khách ghé thăm nơi đây để thắp hương tưởng nhớ người thi sĩ kỳ tài.
Ban đầu, phần mộ của Hàn Mạc Tử được đặt trong khuôn viên Trại phong Quy Hòa, nhưng đến năm 1985, một người em trai cùng bạn bè của Hàn Mạc Tử đã đưa mộ ông về đặt trên đồi Thi Nhân, cách nơi cũ không bao xa.
Ngay dưới chân đồi Thi Nhân là căn lều nhỏ của người nghệ sĩ già Dzũ Kha. Trong lều, ông và vài người thợ ngày ngày cần mẫn dùng bút lửa (một dạng bút sử dụng điện) khắc những vần thơ của Hàn Mạc Tử lên các tấm gỗ thông. Đây là món quà không thể thiếu của du khách khi viếng thăm mộ Hàn Mạc Tử.
Có lẽ chính vì cần mẫn suốt 35 năm qua với chỉ một việc như vậy, Dzũ Kha đã được văn nghệ sĩ và hầu hết người dân Bình Định biết đến qua câu thơ: “Người ta bút mực bút chì/Dzũ Kha bút lửa khắc ghi thơ Hàn”.
Dzũ Kha tâm sự, ông có một sự đồng cảm đặc biệt ngay lần đầu tiên được đọc thơ Hàn Mạc Tử. Chính vì thế, ông dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời của thi sĩ họ Hàn. Thậm chí, vì dành quá nhiều thời gian cho việc này, hạnh phúc gia đình ông đã rạn nứt khi người vợ quyết định chia tay. Từ đó, ông nuôi người con gái trưởng thành bằng niềm đam mê thơ Hàn của mình và cho đến nay, người con gái ấy cũng theo nghiệp “khắc ghi thơ Hàn” của cha.
Không còn mặc cảm, tự ti
Trở lại với làng phong Quy Hòa, cuối giờ chiều, một góc của làng phong rộn rã tiếng cười đùa, trò chuyện của một nhóm các “thương binh” - những người từng là nạn nhân của bệnh phong từ thời xa xưa. Di chứng để lại trên khuôn mặt, thân thể họ vẫn còn, những ngón tay, ngón chân cụt ngủn do di chứng của bệnh vẫn hiện hữu. Nhưng dường như họ đã quên đi những nỗi đau, những ánh mắt kỳ thị của người đời.
Ông Dương Văn Thành (67 tuổi) đã hơn 40 năm gắn bó với nơi đây chia sẻ, dù bây giờ, mọi ký ức đã trôi qua, nhưng ông không quên một phút giây nào của những ngày đầu tiên khi vào điều trị tại làng phong Quy Hoà. “Khi ấy, gia đình tôi sống ở Campuchia, nhưng do điều kiện và bệnh tật, tôi phải chuyển vào đây sinh sống. Hồi đó, tôi cảm thấy tuyệt vọng khi phải ở một nơi dường như biệt lập với thế giới bên ngoài. Người ngoài không dám bước chân đến đây vì sợ lây bệnh phong. Những người bệnh cũng không được phép ra ngoài vì sợ lây lan bệnh tật cho người khác. Có người thèm bước chân ra ngoài đến mức đã phải trèo tường trốn ra”, ông Thành nhớ lại.
Chia sẻ thêm về cảm giác khi phải chịu đựng bệnh tật, ông Thành nói có lẽ khó có từ nào diễn tả nổi cảm giác khi phải chịu đựng những cơn đau do những vết thương của bệnh phong bong tróc, lở loét, khi những khớp tay, khớp chân đau nhức đến tận xương tủy.
“Hàng đêm, nơi đây bao trùm bởi những âm thanh khủng khiếp, đó là những tiếng kêu rên vì đau đớn của người bệnh. Họ đau đớn đến mức gào thét, phải đi lại khắp các ngõ ngách để quên đi cơn đau. Thậm chí, có người đau quá phải tự dùng dao chặt đứt tay mình. Nhưng hồi đó, do điều kiện chữa trị chưa đầy đủ, nên chỉ ngày hôm sau, họ đã chết. Số người chết vì bệnh phong khi đó nhiều không đếm được, cứ có người chết là lại đem chôn ở một khu riêng trong làng này”, ông Thành nói.
Tình yêu nảy nở từ tuyệt vọng, khó khăn
Cũng chính từ ngôi làng nhiều người từng xa lánh, kỳ thị này, đã có nhiều gia đình nhỏ được gây dựng từ sự đồng cảm, sẻ chia.
Trước kia, những người bị bệnh phong vào điều trị tại đây gần như không có cơ hội xây dựng gia đình, vì mặc cảm trong họ quá lớn. Nhưng rồi dần dần, tình yêu thương đã nảy nở giữa những người bệnh hàng ngày cùng nhau chịu đựng các cơn đau do bệnh tật dày vò.
Ông Nguyễn Văn Việt (71 tuổi) vào làng phong từ năm 15 tuổi. Bị bệnh từ năm 10 tuổi, nhưng gần 5 năm sau ông mới được vào đây điều trị. Khi ấy, tay chân ông vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, do cuộc sống khó khăn, phải lao động quá vất vả nên ông bị biến chứng và rụng hoàn toàn hai bàn tay, bàn chân. Nhìn vào tứ chi đã không còn nguyên vẹn, ông khẽ nở nụ cười: “Tôi đã tưởng mình sẽ phải sống cô đơn suốt đời khi không còn cả tay lẫn chân, nhưng có lẽ ông trời không lấy đi của ai tất cả bao giờ, bởi vẫn có một người phụ nữ thương yêu và chấp nhận đi cùng tôi suốt cuộc đời”. Người phụ nữ mà ông Việt nhắc đến chính là vợ của ông, người cũng bị bệnh phong làm rụng một số đốt ngón tay, ngón chân giống như ông.
Sau hơn 10 năm, vợ chồng ông Việt có một người con trai và là chỗ dựa cho vợ chồng trong cuộc sống hiện tại. Ông Việt cho biết, thời đó, làng phong có khoảng 300-400 bệnh nhân và gần như chỉ những người bệnh trong làng xây dựng gia đình với nhau. Họ ít có cơ hội ra ngoài tìm kiếm bạn đời vì khi đó sự kỳ thị còn rất lớn. Có người bệnh xây dựng gia đình với các hộ lý - những người tận tình chăm sóc mình trong suốt thời gian chữa trị. Một điều có lẽ là niềm vui, niềm an ủi lớn nhất khi những người bệnh lấy nhau nhưng vẫn có được những đứa con hoàn toàn khoẻ mạnh, không bị di truyền bệnh phong của bố mẹ.
Chỉ tay ra phía những đứa trẻ đang nô đùa ngoài đường, ông Việt nói: “Chúng nó là tương lai, là niềm vui và là chỗ dựa cho tất cả những cặp vợ chồng bị bệnh phong, từng bị bệnh phong nơi đây. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhờ sự tuyên truyền rộng rãi, giờ đây đã không còn sự kỳ thị dành cho chúng tôi nên bọn trẻ cũng có tương lai hơn”.
Ông Nguyễn Thanh Tân, người về làm Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa từ những năm 1997 và mới về hưu tháng 5 năm nay, kể: “Trước đây, điều khiến tôi day dứt nhất là những bệnh nhân phong phải chịu sự kỳ thị quá lớn của xã hội. Nhưng cũng chính tại nơi đây, vào thời điểm hiện tại, nhiều người coi đó như mái ấm thứ hai của mình, nơi họ được các bác sĩ quan tâm, chăm sóc, nơi họ nhận được rất nhiều sự sẻ chia, những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng”.
Theo ông Tân, những người bị phong sau khi được chữa trị dứt điểm hoàn toàn có thể trở lại tái hoà nhập cộng đồng. Những người định cư tại làng phong Quy Hoà cũng đã ra khơi đánh cá, tự sản xuất rồi mang các sản phẩm ra thành phố bán để có nguồn thu nuôi gia đình. Hiện nay, tại đây có tới hơn 80 bác sĩ, hơn 400 người sinh sống, cả người bị bệnh và những người đã khỏi bệnh.
Hàn Mạc Tử (1912-1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở Đồng Hới, Quảng Bình, lớn lên tại Quy Nhơn, Bình Định, là người khởi xướng dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Ông cùng với Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan được người cùng thời xưng tụng là Bàn thành tứ hữu (Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn). Ông là con thứ ba trong gia đình có 8 anh chị em, được cha mẹ lần lượt đặt tên là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Hiếu, Hiền, Thảo. Hàn Mạc Tử vóc dáng ốm yếu, tính tình hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Khoảng đầu năm 1935, gia đình đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm vì cho rằng đó chỉ là chứng phong ngứa không đáng lo chứ không ngờ đến một căn bệnh nan y bị kỳ thị thời đó. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận