Xã hội

Về làng bán cá "ông Công, ông Táo" lớn nhất tỉnh Thanh Hóa

24/01/2022, 14:38

Chỉ còn 1 ngày nữa là đến dịp "ông Công, ông Táo" lên trời, người dân khắp nơi đổ về làng Cổ Hậu để mua cá chép đỏ.

Cứ đến ngày 20, 21, 22 tháng Chạp (Âm lịch) hằng năm, người dân ở làng Cổ Hậu (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) lại hối hả thu hoạch cá chép đỏ - loại cá được người dân mua để cúng trong ngày 23 tiễn ông Công, ông Táo chầu trời.

img

Hằng năm cứ đến dịp 23 tháng Chạp, người dân ở làng Cổ Hậu lại thu hoạch cá để bán cho người dân

Từ bao đời nay, người dân các thôn Tân Cổ, Tân Hậu (thuộc làng Cổ Hậu) nối tiếp nghề cha ông truyền lại nuôi cá giống, cá chép đỏ nhỏ để phục vụ bán vào những ngày cuối năm. Mặc dù đây là nghề truyền thống nhưng hiện nay đã đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân.

Đang vớt cá bán cho thương lái, ông Lê Đức Văn (65 tuổi, ở thôn Tân Cổ) cho biết: Nhà tôi nuôi cá được 40 năm rồi. Năm nay thu hoạch được 6 tạ cá chép đỏ và bán với giá khoảng 180 nghìn đồng/1kg. Ước tính thu nhập được gần 100 triệu đồng. Ngoài làm cá, nhà còn canh tác trồng rau để bán nên nói chung cuộc sống bình ổn.

img

Thương lái đến mua cá từ các hộ gia đình, trang trại ở làng Cổ Hậu

Cách đó không xa, anh Lê Xuân Việt (45 tuổi) cho hay: Nghề nuôi cá ông Công ông Táo từ thời ông cha để lại. Chúng tôi là thế hệ nối tiếp nhau để làm. Cá ở đây nhỏ, đẹp và màu sắc tươi khác hẳn ở những vùng nuôi nơi khác. Chính vì vậy, năm nào thương lái cũng đến mua mang đi Hà Nội hay miền Nam bán cho người dân. Năm nay nhà tôi có 2-3 tạ cá và đang bán với giá 180-200 nghìn đồng/kg. Thu nhập bình quân của người dân được ở đây khoảng 100 triệu đồng/ năm.

img

Anh Lê Xuân Việt cho biết năm nay thu hoạch được 2-3 tạ cá chép đỏ bán với giá 180-200 nghìn đồng/kg

Theo người dân ở đây, việc nuôi cá giống kết hợp cá ông Công, ông Táo lợi nhuận đem lại cao gấp 8 lần so với việc trồng lúa. Trung bình nếu một sào lúa thu về khoảng 14 triệu đồng (đã trừ tiền giống, vật tư và công chăm sóc) nhưng 1 sào nuôi cá thu về 25 triệu đồng trong khi chi phí rất ít.

img

Theo anh Việt, cá chép ở làng Cổ Hậu có màu sắc tươi, rất được nhiều người ưa chuộng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phong cho biết: Việc nuôi ươm và xuất bán cá ông Công, ông Táo chủ yếu ở thôn Bái Trúc và 2 tổ dân phố liền kề Tân Cổ, Tân hậu trên diện tích 10ha. Năm nay do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chỉ có khoảng 140 hộ nuôi. Tổng sản lượng gần 40 tấn cá, giá bán buôn tính đến trưa ngày 24/1 là 150.000 /1kg.

Cũng theo ông Trung, việc nuôi cá đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

img

Theo ông Lê Đức Văn, việc nuôi cá vừa giữ được nghề truyền thống, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định

Nhận định về nghề truyền thống nuôi cá ở địa phương, ông Trung cho rằng: Các mô hình nuôi trồng thuỷ sản như: cá giống, cá thịt, cá ông Công, ông Táo, nuôi ốc nhồi, cá chuối, ếch, trồng sen, trồng rau màu… năng suất cao, hiệu quả kinh tế khá lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm.

img

Trong thời gian tới, địa phương sẽ có hướng xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản để người dân tăng thêm thu nhập

"Quan điểm thị trấn rất ủng hộ và tạo điều kiện xây dựng các mô hình của các tổ chức hội, cá thể và đang đề nghị cấp trên hỗ trợ các đề án xây dựng các chuỗi liên kết, cửa hàng ATTP, xây dựng các tuyến kênh cấp nước, tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục…, hỗ trợ mô hình nuôi trồng thủy sản.

Việc thay đổi mô hình này từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả cao. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho thuê đất lâu dài để có điều kiện tập trung đầu tư các mô hình nuôi cá cũng như việc hỗ trợ bao tiêu sản phẩm", ông Trung nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.