Chất lượng sống

Về làng làm lồng chim treo ở nhà sàn Phủ Chủ tịch

18/11/2017, 09:28

Làng Vác nổi tiếng với nhiều nghề thủ công, mà sản phẩm được nhiều người biết đến và ưa chuộng nhất là lồng chim...

25

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ

Một gia đình trong làng Vác từng được ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ đặt làm 30 chiếc lồng để treo trong Khu nhà sàn Phủ Chủ tịch (quận Ba Đình, Hà Nội).

Nối nghiệp đời cha

Làng Vác, hay còn gọi là Kẻ Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Đây là làng nghề đan lồng chim nổi tiếng từ lâu đời, theo lối cha truyền con nối, dân chơi chim khắp cả nước không ai là không biết đến làng Vác.

Trong làng, nổi danh hơn cả là gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ (61 tuổi). Khoảng năm 1980, ông Nghệ là người trực tiếp cùng bố đẻ mình là cụ Nguyễn Đức Nghi (cụ Ba Mi, đã qua đời) đem 30 chiếc lồng chim ra nhà sàn Phủ Chủ tịch theo đặt hàng của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Đình Anh, Phó chủ tịch UBND xã Dân Hòa cho biết, toàn bộ xã có 980 khẩu, 10 khu dân cư với khoảng 5.000 nhân khẩu. “Làng nghề có từ lâu đời, nhưng phát triển thì mới từ năm 2002 trở lại đây, đến giai đoạn 2009-2013 thì phát triển rất mạnh. Đời sống của người dân nhờ thế cũng được nâng cao, thu nhập ổn định. Có thời điểm mỗi người làm lồng chim thu nhập lên tới 300-400 nghìn đồng/người/ngày. Sản phẩm do các nghệ nhân được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đó là điều rất đáng tự hào”, ông Đình Anh cho hay.

“Hồi đó, ông Vũ Kỳ đến tận nhà đặt làm một số lồng chim treo ở Phủ Chủ tịch. Buổi trưa, ông Vũ Kỳ đến nhà tôi và ở lại ăn cơm. Ông hỏi bố tôi là nếu làm 30 chiếc lồng thì mất bao nhiêu thời gian, bố tôi nói phải mất vài tháng. Suốt mấy tháng đó, nhà tôi như có hội vậy, ai ai cũng hồ hởi chung sức để sớm hoàn thành. Một thời gian sau, khi đã làm xong, tôi cùng bố đưa số lồng ấy ra tận Phủ Chủ tịch. Đó là một kỷ niệm rất đáng nhớ”, ông Nghệ nhớ lại.

Ông cho hay, gia đình có cả thảy 5 anh em, thì 4 người đi bộ đội và làm công nhân đường sắt, chỉ còn một mình ông ở nhà phụ việc với bố và nối nghiệp cho đến ngày nay. “Ngày xưa, chỉ có gia đình tôi làm nghề, lồng thì chỉ bán cho người Pháp và các gia đình giàu có ở khắp miền Bắc. Bố tôi bảo nghề này không bao giờ mất, vì làm lồng chim bán cho người nước ngoài và những người trong nước phải là gia đình có điều kiện mới chơi chim. Mãi sau này, cuộc sống khấm khá lên mới có nhiều người chơi chim, chơi lồng”, ông kể.

Hiện tại, gia đình làm lồng xuất khẩu bán cho các công ty thủ công mĩ nghệ mây tre đan. Họ đến gia đình ông đặt hàng với số lượng rất lớn, sau đó bán ra nước ngoài, chủ yếu xuất khẩu sang các nước: Nhật, Pháp, Anh… Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, các công ty đặt lồng xuất khẩu chủ yếu làm trang trí hoặc làm cảnh chứ ít đặt lồng để nuôi chim. “Khách hàng thường ưa chuộng lồng chim ở đây bởi sự tinh xảo từ nan lồng đến phần đế rồi trang trí, chạm trổ cầu kì với độ tỉ mỉ, chính xác cao. Vậy nên, lồng chim làng Vác luôn có đặc trưng riêng mà ít cơ sở sản xuất nào có thể sánh được”, ông Nghệ tự hào.

Theo ông, làm lồng chim không khó ở công đoạn vót nan, mà khó ở việc chạm đường viền cho các vanh lồng. Trên vanh lồng, những họa tiết rất nhỏ như một bài thơ chữ Hán; hình long, ly, quy, phượng; hình cây cỏ, hoa lá… được chạm khắc một cách tinh xảo bằng vô số đường nét nhỏ.

Vươn xa ra thế giới

Kể về lịch sử của làng nghề đan lồng chim, nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cho hay, ngày xưa chỉ có gia đình ông làm, từ đời cụ Ba Mi nên tính đến nay đã gần 100 năm. Mãi về sau này mới có nhiều người có điều kiện chơi chim nên dần dà nghề phát triển, nhiều gia đình trong làng làm theo. Vậy là các sản phẩm cũng được mở rộng, không chỉ đơn thuần là lồng chim nói chung mà có các lồng chuyên chỉ để nuôi chim họa mi, chim khướu, chim yến… “Đến nay, gia đình tôi đã 4 đời theo nghề làm lồng chim. Các đời truyền lại cho nhau, đời bố truyền lại cho con, cứ người này tuyền lại cho người kia. Như bố tôi dạy ngày xưa, thì nghề này có lẽ không bao giờ mất”, ông Nghệ cho hay.

Còn nghệ nhân Trần Quốc Toản (ở Canh Hoạch, xã Dân Hòa) cho biết, đến nay ông đã làm nghề được 30 năm, ngay từ khi sinh ra đã có nghề này rồi. “Khi còn nhỏ phụ giúp gia đình làm những việc đơn giản, sau đó dần dần làm những việc khó hơn, cũng chỉ người này bảo người kia, truyền lại cho nhau, làm từ những lồng đơn giản giờ chuyển sang làm lồng đòi hỏi kĩ thuật rất cao”, ông Toản nói.

Nghệ nhân Trần Quốc Toản chia sẻ, lồng chim của gia đình ông làm đã được xuất khẩu ra nước ngoài từ rất lâu. Ngay từ những năm 1992-1993, khách người Mỹ, Pháp về đặt lồng để mang về nước rất nhiều. Tuy nhiên, họ không đặt loại lồng thông thường, mà phải làm lồng rời ra từng chi tiết để mang về nước chỉ việc lắp vào. Ông Toản chia sẻ, làm loại lồng này đòi hỏi cực tinh xảo, để khi mang về họ tự lắp được. Chẳng hạn như kiểu lồng “trồng cổ diêm 8 mái” giống như một mái đình, chùa của Việt Nam, đòi hỏi phải làm rất công phu và kĩ thuật.

Để làm được một cái lồng đẹp, đạt tiêu chuẩn, chị Nguyễn Thị Chung (SN 1976, ở Canh Hoạch, xã Dân Hòa) cho biết: Nguyên liệu làm lồng phải chọn tre gai, độ tuổi tre phải đạt từ 2-3 năm mới đảm bảo độ cứng, độ bền.

Sau khi chọn mua tre mang về làm thành sản phẩm phải lựa, đo kích thước từng loại lồng khác nhau rồi mang uốn, nắn, định hình theo các mẫu lồng khác nhau. Sau đó, đóng thành bánh cho tre vào luộc từ 10-20 tiếng, tùy theo loại lồng. Đối với loại lồng kĩ thì cần phải luộc thời gian lâu, sau đó mang ra ao làng ngâm khoảng 1- 2 tháng để lồng không bị mối mọt. Theo bà Chung, riêng chỉ đối với công đoạn làm nan lồng cũng rất tỉ mỉ, phải uốn nắn để giữ độ dẻo rất công phu. “Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, đẹp, đòi hỏi tay nghề của những nghệ nhân phải thật lành nghề”, bà Chung nói.

Làng Vác vốn là nơi sống chủ yếu bằng nghề thủ công với rất nhiều loại nghề khác nhau như: Làm nón lá, giấy pháo, giường tre, chõng tre, đũa tre, hàng mã, đồ chơi Trung thu, nhưng những sản phẩm đặc trưng nổi tiếng nhất của làng là quạt giấy và lồng chim. Tuy nhiên, trải qua thời gian, cuộc sống trở nên hiện đại hơn, quạt giấy không còn thông dụng nữa, nghề làm quạt giấy bắt đầu chìm dần. Người dân làng Vác vẫn muốn gắn bó với tre, trúc nên nghề làm lồng chim phát triển như một cách để thích nghi với cuộc sống hiện đại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.