Đi ++

Về miền Tây, thưởng thức ẩm thực "độc" ngày Tết

Không chỉ độc đáo, những món ăn này còn vô cùng ngon miệng, giúp bạn xua đuổi cảm giác "ngán tận cổ" với những mâm tiệc ngày Tết…

Cứ Tết đến, Xuân về, hầu như nhà nào cũng đầy ắp cá thịt trên những mâm tiệc. Ăn nhiều ngày liên tục sẽ khiến bạn có giảm giác "ngán tận cổ". Nhiều loại đặc sản miền Tây không chỉ thuộc hàng “độc”, mà còn giúp bạn ngon miệng với hương vị vô cùng độc đáo.

img

Cá leo cây hay còn gọi là cá thòi lòi.

Nhâm nhi cùng “cá leo cây”

Vùng đất Cà Mau cuối cùng của Tổ quốc, với nhiều món ăn đa dạng hấp dẫn, đã góp phần làm phong phú thêm cho nền ẩm thực miền Tây. Đặc biệt trong số đó phải kể đến “cá leo cây”.

Đây là loài động vật lưỡng cư, có thể bò nhanh trên mặt đất, leo cây và di chuyển trên mặt nước với tốc độ khoảng 30 km/h. Chúng sống nhiều ở vùng đất ngập mặn, bùn lầy ven biển. Loài cá này có hình thù gần giống với cá bống sao nhưng da xù xì và hai mắt lồi to trên chóp đầu. Chính vì đặc điểm nhận diện này nên dân gian mới đặt tên cho chúng là "cá bống thòi lòi".

Dựa vào đặc điểm di chuyển như thế, người phương Tây gọi chúng là loài "cá đi bộ" và Tổ chức Sinh vật thế giới xem là một trong 6 loài vật "kỳ lạ nhất hành tinh".

Cà thòi lòi được xếp vào hàng cá có tướng ta xấu nhất nhì, sống ở vùng cửa sông - nước lợ. Xấu mã nhưng tốt thịt, phải nói thịt cá thòi lòi rất ngon, nó có vị ngọt, bùi, thơm, hơn nữa thịt cũng nhiều. Bởi vậy, chúng được người dân xem là sản vật thiên nhiên ban tặng và được làm thành đặc sản để giới thiệu đến bạn bè gần xa.

img

Khô cá thòi lòi.

Cá sau khi đánh bắt, được đem làm sạch, tách xương, rửa sạch, ướp tẩm gia vị chủ chốt như muối, đường, tiêu, bột ngọt; cuối cùng là phơi nắng. Phơi đến khi cá khô săn lại cho vào đóng gói, bảo quản trong môi trường thoáng mát.

Giống nhiều loại khô khác, khô cá thòi lòi sẽ được nướng để cảm nhận vị thơm ngon tự nhiên. Cầu kỳ hơn thì chiên mắm me nhâm nhi cùng vài ly rượu. Đó là cách thưởng thức dân giã đúng chất của người miền Tây.

Mê mẩn món cá lóc cửng

Khô cá lóc cửng (cá lóc non) vốn là đặc sản phổ biến ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Vào mùa nước nổi tràn đồng, cá lóc đồng xuất hiện nhiều. Người miền Tây ăn không hết nên nghĩ ra cách sơ chế, ướp muối rồi đem phơi khô để dành. Với kỹ thuật tẩm ướp, phơi cá chuẩn nắng, thịt cá mềm, ngọt, vị đặc biệt.

img

Cá lóc đồng non thịt thơm ngon.

Điểm đặc biệt của loại khô này là cá lóc phải còn non, chậm lớn, có thể hiểu nôm na là cá còn nhỏ. Khác với cá lóc nuôi thịt nhiều dáng to, loại lóc cửng này có thịt săn chắc, vị ngọt đậm đà và đặc biệt không có mùi tanh như cá nuôi. Do đó, khi làm cá khô lại được nhiều người ưa thích đến nỗi cung không đủ cầu trên thị trường hiện nay.

img

Cá lóc non được làm thành khô.

Khô cá lóc cửng được bà con phơi để dành trong nhà ăn dần hoặc dùng làm món nhâm nhi với khách khi đến thăm nhà. Khô cá lóc non chế biến rất đơn giản, chỉ cần mang ra nướng hoặc chiên lên là dùng ngay được.

Cầu kỳ hơn thì băm thêm ít trái xoài xanh thái sợi trộn cùng con khô cá lóc vừa nướng, không quên rưới thêm ít nước mắm chua cay là có được dĩa gỏi ăn rất tốn cơm.

Bùi ngùi bánh tét Trà Cuôn

Bánh tét từ lâu đã trở thành món bánh dân gian quen thuộc ở miền Tây Nam Bộ nhưng có lẽ, độc đáo và thơm ngon nhất vẫn là bánh tét Trà Cuôn của đồng bào Khmer ở Trà Vinh.

img

Bánh tét Trà Cuôn nổi tiếng của đồng bào Khmer Trà Vinh.

Muốn làm được chiếc bánh tét ngon, các khâu chuẩn bị nguyên liệu phải chu đáo. Trước tiên, lá chuối gói bánh phải được lau kỹ từng chiếc một. Nếp vo sạch để ráo và trộn đều với nước cốt lá ngót. Chính nhờ vào màu tự nhiên này mà bánh có màu xanh và mùi thơm đặc trưng.

Đậu xanh sử dụng làm nhân bánh cũng phải là những hạt đậu to, tròn, được đem đi nấu chín. Thịt mỡ được xắt thành những thỏi dài và vuông, rửa sạch và đem ướp gia vị rồi mới đem đi gói cẩn thận. Nhiều nơi còn cho thêm một ít trừng muối vào giữa phần nhân để tạo thêm phần hấp dẫn.

Đặc biệt, khi gói bánh, người gói phải chọn nếp sáp có độ dẻo phù hợp, vo sạch để ráo, trộn nếp với nước lá bồ ngót, nước lá bồ ngót sẽ làm cho đòn bánh tét có màu xanh trông đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không dùng phẩm màu. Nhân bánh tét tổng hợp, gồm: thịt, mỡ heo, lòng đỏ trứng hột vịt muối, hoặc nhân chuối, nhân đậu xanh…

img

Không chỉ ngon miệng, bánh tét Trà Cuôn còn có màu sắc vô cùng bắt mắt.

Bánh tét Trà Cuôn không giống bánh những nơi khác, nó đặc biệt ở chỗ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến cách gói và cách luộc bánh. Bánh được gói bằng loại nếp sáp, đậu xanh nấu nhiễm và thịt mỡ, ba rọi ướp thơm.

Bánh tét thường có màu trắng của nếp; cho thêm lá cẩm, bánh có màu tím; cho vào nước cốt gấc, bánh có màu đỏ, còn cho vào nước cốt bồ ngót già; bánh có màu xanh rất tự nhiên. Nguyên liệu từ thiên nhiên này còn tạo ra mùi thơm rất đặc trưng và bắt mắt.

Đặc biệt, bánh tét Trà Cuôn để được 5 - 7 ngày vẫn không bị hỏng mà lại càng ngon và đậm đà hơn.

Thưởng thức nước mắm “Ngự” của Vua

Rươi là loài vật sống trong lòng đất, hình hài giống như con sên nước, thậm chí nhìn rất ghê sợ, nhưng rươi lại là sinh vật sạch, giàu chất đạm. Bởi vậy rươi còn được gọi là “rồng đất”. Mỗi năm, loài sinh vật này chỉ ban tặng cho con người hai lần là những ngày cận Tết Nguyên đán và những ngày khởi đầu năm mới.

Tháng Chạp, tiết trời xuân se lạnh, gió chướng thổi thông ngọn mạnh mẽ của con nước thủy triều dâng ngày 30 Âm lịch là thời điểm rươi xuất hiện. Đây cũng là thời gian những người ở các xã ven biển như: Long Toàn, Long Khánh, Long Vĩnh, Trường Long Hòa, Dân Thành, Đông Hải của Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh bước vào mùa “hội vớt rươi”.

Rươi có màu đỏ như máu, chiều dài từ 0,5 - 0,7 cm, khi lên mặt nước chúng kết dính vào nhau, tạo cho cả bãi sình láng một màu đỏ thắm. Công thức chế biến mắm rươi của cư dân Trà Vinh rất đơn giản, chỉ gồm rươi, muối ăn, nước sạch.

Lượng nước được cho vào để khiến hũ rươi cho ra thành phẩm dạng lỏng, trung bình cứ tỷ lệ 6 muối, 1 rươi (6 kg muối thì 1 kg rươi) sẽ ra thành phẩm.

img

Con rươi - nguyên liệu làm nước mắm rươi ở Trà Vinh.

Mắm rươi được ăn một cách đơn giản bằng cách vắt thêm tí chanh, dầm tí ớt là có thể dùng làm nước chấm cho các loại thức ăn rất ngon miệng, thậm chí chỉ trộn với cơm nguội ăn cũng rất ngon.

Tuy nhiên, người sành điệu ăn mắm rươi hết sức cầu kỳ với những nguyên liệu khá phức tạp, bao gồm hàng chục thứ rau khác khau và có hai cách ăn chính là ăn mắm sống và mắm chưng. Đặc biệt, nước mắm rươi mà dùng để kho thịt, kho các loài cá biển thì hương vị không hề kém hơn các loại nước mắm danh tiếng được làm từ cá.

Tương truyền, ngày xưa khi vua Gia Long trên đường lánh nạn đến vùng Duyên Hải, Trà Vinh đã dùng mắm rươi. Do quá ngon, nên khi đăng ngôi thiên tử đóng đô tại Huế, năm nào vua Gia Long cũng cử ghe bầu về nơi này mua nước mắm này. Chính vì vậy, nước mắm rươi còn có tên gọi khác là nước mắm “Ngự” của Vua…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.