Cụ Châu nhớ lại trận lụt năm Giáp Thìn 1964 |
Ngôi làng Đông An nằm nơi thượng nguồn sông Thu Bồn từng hứng chịu trận lụt nghìn năm hiếm gặp mà dân gian quen gọi là “đại họa năm Thìn 1964”. Cả ngôi làng trù phú có gần 1.500 người chết chỉ sau một đêm, chỉ còn 19 người sống sót.
52 năm đã trôi qua, làng Đông An bây giờ có một thế hệ cư dân mới gồm những người sống sót qua thảm họa và những người dân từ nơi khác đến lập nghiệp. Câu chuyện về thảm họa năm nào luôn được họ nhắc nhở con cháu trong đám giỗ lụt ngày mùng 5/10 (Âm lịch) hàng năm, để không ai được quên cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Cả làng chỉ 19 người sống sót
Dải đất miền Trung đang trong những ngày mưa lũ triền miên. Các tỉnh Bắc miền Trung vừa hứng chịu cơn lũ lịch sử gây thiệt hại lớn thì các tỉnh Nam miền Trung nước lũ cũng đang dâng cao trên các con sông. Riêng ở ngôi làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) nơi thượng nguồn sông Thu Bồn, mỗi mùa mưa lũ còn gợi lại ký ức kinh hoàng về trận đại hồng thủy năm 1964. Người dân làng Đông An thường gọi với cái tên dân gian là “đại họa năm Thìn”.
Từ trung tâm TP Đà Nẵng di chuyển ngược dòng Thu Bồn hơn 100km, chúng tôi đến với thôn Đông An tìm gặp lại những nhân chứng sống của trận đại hồng thủy cách đây hơn nửa thế kỷ. Ở làng Đông An bây giờ, chỉ có bốn người từng chứng kiến và sống sót qua cơn lũ dữ đó còn sống.
Cụ Nguyễn Tấn Châu (89 tuổi) ở cùng cậu con trai út trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nhưng nằm chót vót trên ngọn đồi cao. Đây là căn nhà tình nghĩa do UBND xã Quế Phước xây tặng gia đình cụ cách đây 5 năm. “Chính quyền cho tiền xây nhà nhưng tôi chọn đất. Phải chọn đất trên đồi cao này để lũ không bị ngập. Tôi sợ lụt lắm”, cụ Châu tâm sự.
Cụ kể, năm 1964, cả tỉnh Quảng Nam trải qua cơn đại hạn chưa từng thấy. Suốt một năm trời không thấy một giọt mưa. Con sông Thu Bồn nước xuống thấp chưa từng thấy. Cây lúa chết trên đồng, trâu bò thì ốm yếu. Nai, hoẵng trên rừng đi lạc về nhà dân rất nhiều, ong vò vẽ thì làm tổ cao quá đầu người. Cuộc sống người dân vô cùng khốn khổ. “Mùa mưa năm đó đến trễ. Trưa mùng 5/10 năm Giáp Thìn (Âm lịch), trời vẫn còn thoang thoảng nắng. Đến tối thì trời mưa như trút, mưa ầm ầm không dứt kéo dài đến hết ngày mùng 6. Mưa đến nỗi người đứng gần nhau không nhận ra mặt. Chiều mùng 6/10 (Âm lịch), nước lũ sông Thu Bồn bắt đầu dâng cao. Bà con trong làng vội vàng đưa nhau lên chỗ cao nhất để trú tránh. Thế nhưng, nước ở đâu đổ xuống như thác. Tất cả các ngôi nhà trong làng đều bị nước cuốn trôi. Hàng trăm người bị dòng lũ dữ cuốn đi... Tiếng kêu la thảm thiết vang lên khắp nơi trong màn đêm. Cả làng Đông An biến thành ngôi làng chết. Tôi cũng bị nước cuốn trôi hàng chục cây số trong đêm đó”, cụ Châu đau xót kể.
“Kinh hoàng lắm”, cụ Huỳnh Thị Thiệp (79 tuổi), người may mắn sống sót tiếp lời. Cụ Thiệp bị dòng nước cuốn trôi gần 60 cây số về tận huyện Đại Lộc và may mắn được cứu sống. Một tuần sau cơn lũ, cụ Thiệp tạ từ ân nhân cứu mạng tìm đường quay về làng cũ. Trên đường đi, cụ Thiệp gặp lại cụ Châu và một số người làng khác. Họ dắt díu nhau hơn một tuần mới về đến nơi.
“Cả làng không còn một ngôi nhà nào, cảnh tiêu điều, xác xơ. Khắp làng là một màu trắng đục của bùn non. Thi thể người chết nằm la liệt, trương phình và bốc mùi. Mọi người tìm cách chôn cất nhưng không hết đành để vậy. Chúng tôi dựng lều bằng bạt ni lông để sống tạm. Có tất cả 19 người trong làng sống sót. Có người sau đó ở lại làng nhưng cũng có người rời làng đi nơi khác lập nghiệp”, cụ Thiệp kể.
Nhà thờ lụt, nơi tổ chức đám giỗ làng và thờ cúng những người tử nạn |
Hồi sinh ngôi làng chết
Cụ Nguyễn Tấn Châu khi đó đang là Trưởng ban Giải phóng thôn Đông An vẫn còn nắm rõ như in số hộ cũng như số nhân khẩu trong làng.
“Làng có 395 hộ. Cơn lũ khiến 1.481 người chết, trong đó có 888 người dưới 16 tuổi. Cả làng chỉ còn 19 người sống sót. Nhiều người làng Đông An sinh sống ở nơi khác nghe tin cũng tìm về làng. Cả làng còn tổng cộng 62 người thuộc 18 hộ gia đình. Chúng tôi nương tựa, dìu dắt nhau qua cơn hoạn nạn”, cụ Châu nói.
Theo cụ Thiệp, mỗi người dựng một căn lều để sinh sống. Mọi người chỉ có lương thực là đồ hộp, cá khô được cứu trợ. “Sau lụt, cá dưới sông Thu Bồn nhiều vô kể nhưng không ai dám bắt ăn. Chỉ có cây bầu là mọc nhiều, phát triển nhanh và tươi tốt”, cụ Thiệp nhớ lại.
Cảnh làng ảm đạm kéo dài suốt cả năm trời. Niềm vui đầu tiên của họ sau cơn đại hồng thủy chính là đám cưới của cụ Thiệp với cụ Lương Lang (nay đã 80 tuổi). Cụ Lang là người không có mặt khi cơn lũ dữ kéo về do đang đi học xa. Sau lũ, cụ trở về góp sức dựng lại làng rồi nên duyên với cụ Thiệp. “Đám cưới tụi tui chẳng có gì. Tôi từ lều của mình đi sang lều bà ấy với mấy quả cau rồi đưa nhau về sống chung. Đám cưới khi đó chỉ có trời đất và những người sống sót chứng giám. Vậy mà chúng tôi sống hạnh phúc tới giờ, mấy đứa con khôn lớn đều đã thành đạt”, cụ Lang vui vẻ nói.
Đất rộng, người thưa, người làng Đông An tìm đến những ngôi làng xung quanh kêu gọi người dân đến đây lập nghiệp. Sau ngày đất nước thống nhất, những đợt di dân kinh tế mới từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị đưa thêm người đến Đông An sinh sống.
Ông Trần Thế, Trưởng thôn Đông An cho biết, dân làng bây giờ phần lớn là từ các xã khác đến, một số ít đến từ những tỉnh khác. Người làng Đông An có truyền thống làm đám giỗ lụt vào ngày mùng 5/10 (Âm lịch) hàng năm nên ai cũng biết về lịch sử đau buồn của làng. “Làng tổ chức đám giỗ chung, mỗi gia đình đóng góp 50.000 đồng. Con cháu trong làng làm ăn xa đến ngày giỗ ai cũng sắp xếp công việc về đây. Đám giỗ được tổ chức ở đền thờ lụt với văn tế cầu siêu cho người chết và mong bình an cho dân làng”, ông Thế nói.
Ông Lương Văn Bá, Phó chủ tịch UBND xã Quế Phước cho hay, làng Đông An bây giờ có 262 hộ dân với 913 khẩu. Quy mô của làng vẫn chưa bằng thời điểm trước trận đại hồng thủy năm Giáp Thìn 1964. Tuy nhiên, cuộc sống người dân hiện đã ổn định, “thay da đổi thịt”. Làng Đông An bây giờ mái ngói mọc lên san sát, người dân sống dựa vào nghề nông nghiệp. Những bãi bồi dọc sông Thu Bồn đầy phù sa màu mỡ, mỗi năm luôn cho hai vụ mùa bội thu.
“Con sông này gây nên trận đại họa cho làng nhưng cũng chính nó nuôi sống làng. Bà con bây giờ giàu có hơn trước, có đài báo, ti vi nên nếu có lũ lớn chắc cũng chạy kịp. Nhưng tôi chỉ mong đừng bao giờ thiên nhiên nổi giận để người làng có được cuộc sống bình an”, cụ Châu tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận