Chuyện dọc đường

Về nhà, chậm một vài ngày nữa được không?

08/10/2021, 06:26

Trên hành trình của vạn người ngược từ Nam ra Bắc, không mấy ai đọc được hoặc quan tâm những dòng thông báo tuyển lao động từ các DN tại TP.HCM.

Những đường hầm xuyên núi (theo luật chỉ chuyên dành cho ô tô) cuối cùng cũng được mở ra để đón hàng nghìn người vượt qua bằng xe máy, trong cơn mưa tầm tã của miền Trung, trong hành trình hồi hương đắng cay và nghiệt ngã.

Không đơn giản chỉ là một hành trình qua hầm an toàn hơn vượt đèo, để làm được như thế, cần có những quyết định vượt qua mọi quy định và tiền lệ.

Thậm chí đoàn người qua đèo Hải Vân tối qua (7/10) còn có cả CSGT dẫn đường. Vì cùng lúc không thể đi quá đông và tự phát trong 6km đường hầm.

img

Người dân từ các tỉnh, thành phía Nam đội mưa về quê qua địa bàn Nghệ An. Ảnh: Nhật Minh

Điều gì rồi cũng có thể vượt qua, nếu đặt an nguy và sinh mệnh của người dân lên trên hết. Không chỉ đèo Hải Vân, đèo Cả, Cù Mông… mà còn nhiều cao độ khác phải chinh phục để ứng phó và sống chung với đại dịch chưa từng có.

Đòi hỏi ấy biết là quá khó với những gì hiện có, với vật chất và nhân lực hiện có không dễ để nói lo cho dân là lo được vẹn toàn.

Dịch bệnh đặt người ta trước những tình huống chưa từng xảy ra, lúc ấy lại càng cần có những lãnh đạo giỏi việc, tâm huyết và dám chịu trách nhiệm.

Đã có những địa phương hối hả liên hệ xe khách, tàu hỏa, thậm chí cả máy bay để chở bà con từ tâm dịch về quê bằng nguồn xã hội hóa.

Nhưng nhu cầu quá lớn mà năng lực có hạn.

Đã có những địa phương có cách làm sáng tạo hơn: Gửi tiền vào cho bà con cố gắng trụ lại ở TP.HCM.

Bởi mỗi cuộc di chuyển mang theo bao hệ lụy, từ nguy cơ lây lan dịch bệnh, đi đường xảy ra tai nạn đến việc thừa lao động ở quê mà lại thiếu hụt nghiêm trọng ở thành phố sau này.

Cực chẳng đã, người dân mới phải liều mình trên những chiếc xe máy cà tàng trên hành trình nghìn cây số hồi hương. Hơn ai hết, họ biết mang con, mang vợ theo trong mưa gió hiểm nguy thế nào.

Nhưng mong mỏi làm sao, hãy chậm lại hành trình này, một vài ngày thôi. Mưa gió đang rất lớn ở rẻo đất miền Trung, nơi buộc phải đi qua nếu muốn từ TP.HCM trở ra miền Bắc.

Hãy chậm lại một vài ngày thôi, để mưa bão tan đi, để chờ xem những giải pháp mới từ chính quyền.

Hôm qua, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM trả lời báo chí cho biết, đang nỗ lực kết nối với các đơn vị liên quan để hỗ trợ bà con về quê bằng ô tô.

Đây cũng là một giải pháp, để giữ được những người khỏe mạnh, còn khả năng trụ lại kiếm việc làm, chờ đến lúc thành phố khôi phục kinh tế. Nếu để dân tự về quê bằng xe máy, cả gia đình sẽ đùm bọc nhau cùng về. Những nhà máy, cơ sở dịch vụ sẽ “rỗng ruột”.

Trớ trêu thay, trên hành trình của vạn người ngược từ Nam ra Bắc, không mấy ai đọc được hoặc quan tâm những dòng thông báo tuyển lao động vừa được các doanh nghiệp tại TP.HCM đăng tải mấy hôm nay.

Có thể, khi đưa được vợ con về quê, họ sẽ quay trở lại. Nhưng ngay lúc này, nghịch cảnh kẻ đi dứt áo ra đi, người cần vẫn không có đủ lao động để thực hiện đơn hàng vẫn đang hiển hiện. Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM phải đóng cửa vì không gọi nổi lao động quay trở lại làm việc.

Cần lắm, có thêm những giải pháp. TP.HCM dù chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch bệnh nhưng vẫn đang tái mở cửa trở lại với tốc độ nhanh nhất cả nước.

TP.HCM sẽ gượng dậy và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động lớn nhất từ trước đến nay.

TP.HCM - đô thị giàu có trên công sức của triệu dân tứ xứ, sau đợt dịch này, hẳn sẽ phải nhìn lại chính sách an sinh với lao động của mình. Để họ không chỉ đến đây, làm việc, kiếm tiền gửi về quê trong một hành trình tạm bợ “ráo mồ hôi là hết tiền”, mà còn được sống đúng nghĩa “những cư dân của thành phố”.

Nguyễn Nga

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.