Xịt rửa mũi cho trẻ nhỏ không đúng cách dễ khiến trẻ bệnh nặng hơn. |
Vệ sinh mũi họng cho trẻ là cần thiết, nhất là trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay. Tuy nhiên, chăm sóc sai cách, cha mẹ còn khiến trẻ bệnh thêm nặng.
Con viêm phổi vì mẹ bơm nước rửa mũi
Thời tiết thay đổi với việc chênh lệch nhiệt độ ngày/đêm khá cao khiến cậu con trai mới 11 tháng tuổi của chị Nguyễn Thanh Loan (Ngọc Khánh, Hà Nội) húng hắng ho và chảy nhiều nước mũi. Chị Loan cho hay, biết trước thời tiết "đỏng đảnh" dễ khiến trẻ mắc bệnh hô hấp nên chị giữ rịt con ở trong nhà, ngày nào cũng rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý mà vẫn không tránh khỏi. Hôm trước, bạn chị đến chơi thấy con trai chị bắt đầu đặc mũi xanh, vàng nên giới thiệu clip bơm rửa mũi để chị thực hiện. “Ban đầu cũng thấy nhiều mũi chảy ra nhưng đến lần thứ ba thì thằng bé gào khóc và ho sặc sụa. Đêm hôm đó thấy con sốt, cả nhà hoảng quá đưa con đến viện. Bác sĩ bảo thằng bé đã chớm sang viêm phổi. May đến viện kịp thời”, chị Loan cho biết. Trường hợp như nhà chị Loan không phải là hiếm gặp.
Xem thêm video:
Trao đổi về cách chăm sóc mũi họng cho trẻ khi trẻ bắt đầu có các dấu hiệu bệnh lý hô hấp, BS. Nguyễn Lan Hương, Chuyên khoa Tai Mũi Họng, BV Hưng Việt cho hay, việc xịt rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý là rất tốt. Khi trẻ bắt đầu viêm mũi, viêm VA, hay viêm phế quản…, trẻ thường ngạt mũi khó thở gây biếng ăn, bỏ bú… nên việc xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý sẽ làm loãng chất nhầy hoặc mủ trong mũi, giúp cha mẹ dễ dàng hút ra, giảm ngạt mũi cho trẻ và làm bệnh giảm, tiến triển tốt hơn.
“Tuy nhiên, việc xịt rửa mũi như con dao hai lưỡi nếu cha mẹ không nắm rõ vùng giải phẫu tai mũi họng, xịt rửa mũi cho trẻ không đúng cách, đúng tư thế. Không những bệnh không đỡ mà còn tăng nặng do có thể đưa dịch, thậm chí vi khuẩn từ vòm mũi họng lên vùng tai giữa, gây viêm tai giữa. Hoặc có trường hợp xịt rửa không đúng tư thế hay làm sau khi con vừa ăn no còn khiến dịch xuôi xuống phổi gây sặc, viêm phổi ở trẻ”, BS. Hương cho biết.
Với việc xịt rửa mũi ở nhà, BS. Hương khuyến cáo, trẻ dưới 3 tuổi khi có dấu hiệu mũi mủ, cha mẹ nên cho đến cơ sở y tế để khám hút mũi, tuyệt đối không thực hiện tại nhà. Chỉ thực hiện khi trẻ viêm ngạt mũi nhẹ, cha mẹ có thể nhỏ nước muối, rồi bế lên vai để dịch tự chảy ra và chỉ lau ở phía ngoài, đồng thời sử dụng thuốc làm săn niêm mạc mũi theo chỉ dẫn của bác sĩ. Với trẻ trên 4 tuổi, cha mẹ có thể tự bơm hút mũi cho trẻ nhưng lưu ý phải đúng cách, đúng tư thế, tránh biến chứng đáng tiếc.
Theo các chuyên gia, khi vệ sinh mũi, phụ huynh cần cho trẻ ngồi thẳng, người hơi đổ về phía trước. Dùng bình xịt từ từ nước muối sinh lý 0,9 phần nghìn từng bên mũi, để mũi mủ tự chảy ra bên ngoài. Theo khuyến cáo, chỉ nên dùng nước muối vệ sinh cho trẻ khi có dấu hiệu bệnh lý hô hấp hoặc trẻ tiếp xúc với bụi.
Cẩn trọng bài thuốc dân gian
Còn với trường hợp nhà chị Phan Thúy Hà (Hoàng Mai, Hà Nội), từ khi bước vào mùa đông đến giờ, con chị không biết bao lần phải đến viện vì mắc bệnh lý về hô hấp, khi thì viêm họng cấp, lúc lại viêm phế quản, cho dù chị chăm sóc con hết mực. Mấy ngày trước, con chị ho và chảy nhiều mũi, chưa kịp cho con đi khám, bà nội từ dưới quê lên chơi đã dùng cách chữa dân gian là giã tỏi vắt lấy nước hòa với chút nước muối nhỏ vào mũi cho cháu. “Cả hai bên mũi con đỏ lựng vì bà nhỏ mũi bằng nước tỏi. Đưa đến viện còn bị bác sĩ mắng vì làm bé bỏng niêm mạc mũi”, chị Hà cho hay.
Với quan điểm “hạn chế tối đa kháng sinh” cho con, gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng (Đống Đa, Hà Nội) cho con sử dụng các loại lá từ húng chanh đến tỏi hấp mật ong khi cô con gái 2 tuổi húng hắng ho. Thế nhưng, "điều trị" kéo dài suốt cả tuần, đến khi nghe tiếng ho nặng, rít và con sốt cao vợ chồng anh Tùng mới cho con đến viện. Lúc đó, bác sĩ đã xác định bé mắc viêm phế quản phổi, buộc phải điều trị khí dung, kháng sinh…
Otrivin là loại thuốc nhỏ mũi có thành phần co mạch nên khi trẻ ngạt mũi, nhỏ vào giúp trẻ co cuốn mũi, dễ thở. Loại này bố mẹ rất thích dùng nhưng là con dao hai lưỡi bởi nếu dùng nhiều khiến cuốn mũi bị phì đại khi lớn lên khiến thuốc không còn tác dụng nữa, có khi phải phẫu thuật. Do vậy, cha mẹ tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc cho đối với trẻ nhỏ”. BS. Nguyễn Lan Hương, Chuyên khoa Tai Mũi Họng, BV Hưng Việt |
BS. Nguyễn Lan Hương cho biết, có nhiều cách chữa dân gian cũng rất tốt, nhưng riêng việc nhỏ mũi cho trẻ bằng nước tỏi thì được khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng bởi dễ gây bỏng niêm mạc mũi của trẻ. “Việc dùng các loại lá như húng chanh, lá hẹ, hành tây hấp đường phèn hay mật ong đều tốt nhưng cha mẹ phải thường xuyên lưu ý đến trẻ và không được chủ quan. Phải theo dõi trẻ sát sao, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường như: Khò khè, khó thở, sốt… cần kịp thời đến cơ sở y tế để tránh hậu quả đáng tiếc”, BS. Hương khuyến cáo và lưu ý, ngoài thời tiết thất thường thì vấn đề vệ sinh môi trường như hiện này cũng không tốt cho tai mũi họng.
Do vậy, để phòng tránh, mọi người cần lưu ý khi ra ngoài, nhất là trẻ nhỏ nên đeo khẩu trang, giữ ấm vùng cổ; Nhà ở giữ sạch sẽ, thông thoáng; Cha mẹ cần lưu tâm đến trẻ mặc làm sao cho đủ ẩm, tránh để toát nhiều mồ hôi, thấm ngược vào cơ thể gây viêm phổi… Bên cạnh đó, sử dụng biện pháp dân gian, xoa dầu tràm vào lòng bàn chân, nhỏ tinh dầu chàm vào khăn cho trẻ ngủ.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận