Nhiều hành khách đến ga nhận vé tàu Tết sau khi đã đặt vé thành công qua mạng. |
Những e ngại này không phải không có lý do khi hết Tết này đến Tết khác, điệp khúc mà không ít khách hàng nhận được tại các quầy vé chỉ là “hết vé”. Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện vé mua tại quầy cứ thiếu triền miên nhưng với “cò” vé, bao nhiêu cũng có.
Nhiều người đặt câu hỏi là vé ở đâu mà họ cầm cả đống, muốn loại nào cũng có, đi ngày nào, tuyến nào cũng có? Ai đã tuồn vé ra? Ai tiếp tay cho “cò” vé “cắt cổ” người lao động?
Chính vì khó khăn triền miên năm này qua năm khác nên ngay cả khi Tổng công ty Đường sắt VN công bố cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh bao gồm bán vé tàu qua website, thanh toán điện tử, đặt chỗ và thanh toán qua tin nhắn, smartphone, máy bán vé tự động, vé tàu điện tử,… giúp hành khách dễ dàng mua vé đi tàu, giảm ùn tắc tại các nhà ga và đặc biệt chống nạn đầu cơ vé, nhiều người vẫn tỏ vẻ hoài nghi.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh nỗ lực của ngành Đường sắt trong dự án hợp tác chưa từng có tiền lệ trong ngành này đã và đang phát huy hiệu quả. Con số 70% tổng số vé bán trên toàn hệ thống (tương đương hơn 93 nghìn vé) từ 21/11 - 8/12/2014 là vé đặt mua qua internet đã chứng minh sự “thân thiện, thuận tiện” của hệ thống.
Yêu cầu “minh bạch” đã được phát huy, nạn đầu cơ vé không còn đất sống do toàn bộ thông tin về vé tàu với một kho vé duy nhất đã được đưa lên mạng internet. Hành khách hãy trở thành “người tiêu dùng thông minh”, góp phần cùng ngành Đường sắt dẹp nạn “cò” vé bằng cách nói không với “cò”.
Thực tế, tất cả hành khách mua vé trên hệ thống bán vé điện tử đều phải ghi số CMND để hệ thống lưu và in trên vé. Nếu số CMND không khớp trên vé, coi như không hợp lệ, không lên được tàu. Cứ cố mua vé của “cò”, hành khách cẩn thận “tiền mất, tật mang”.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận