Xã hội

Vẽ tranh tường cho phố: Không phải thích là được

21/08/2017, 09:15

“Không phải thích vẽ gì thì vẽ. Vẽ ra ngoài đường, ngoài công cộng thì phải được kiểm soát chứ không thể tự do".

16

Những bức tranh cổ động trên đường Hủng, thôn Đông Khê, Đan Phượng (Hà Nội)

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động, người dân vẽ trong nhà mình thì không sao nhưng vẽ tranh tường mà liên quan đến giao thông, đến hàng xóm, công cộng thì vẽ tranh gì, nội dung như thế nào đều phải được kiểm soát...

Khoác áo mới cho ngõ, phố

Đến phố Yên Phụ, hỏi về bức tranh tường 3D, người dân ở đây đều chỉ ngay đến ngõ 68. Ngay khi bước chân vào con ngõ nhỏ này, đập vào mắt bức tranh bích họa phong cảnh một góc thành phố Venice (Italia) lãng mạn, phủ kín tường. Không gian của con ngõ nhỏ như được mở rộng hơn. Bức tranh được thực hiện trên bức tường cao khoảng hơn 5m, dài khoảng gần 10m, diện tích khoảng hơn 50m2.

Bạn Vũ Thanh Tịnh, họa sĩ trong nhóm thực hiện bức tranh trên chia sẻ: “Mới đầu chỉ có 1 hộ dân nghĩ ra việc vẽ tường, sau đó, cả 3 hộ gia đình đã cùng mời chúng tôi đến vẽ”, họa sĩ Tịnh nói và chia sẻ thêm, bức tranh này có diện tích lớn vẽ lại phong cảnh góc phố Venice. Bức vẽ được vẽ hoàn toàn bằng màu 3D Arylics có độ bền màu từ 10-20 năm. Tranh vẽ 3D như thế này khó hơn nhiều so với các bức họa 2D thông thường nhưng có chi tiết cao, độ chân thực khá tốt.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một trong 3 gia đình thuê vẽ tranh cho biết, trước khi vẽ các hộ gia đình cũng đã xin phép tổ trưởng tổ dân phố. Những bức tranh 3D này mang đến cho con ngõ nhỏ trở nên sinh động, tươi mới hơn và nhất là không còn cảm giác chật chội, bó hẹp trong một con ngõ như trước đây. “Đặc biệt, khi vẽ tranh đẹp như này sẽ tránh được việc vẽ bậy, hay dán các giấy tờ linh tinh trên tường nhà mình”, chị Hương nói.

Không chỉ có những bức tranh đẹp ở những ngõ phố mà ngay ở những thôn quê bây giờ cũng có những bức tranh đẹp trên tường mang nhiều ý nghĩa về sự cổ động. Mới đây, Đoàn thanh niên xã Đan Phượng đã vẽ một bức tranh lớn dọc đường Hủng, thôn Đông Khê. Bức tranh dài 300m, với diện tích 200m2 có chủ đề xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Nội dung chọn đưa vào tranh thể hiện đặc trưng của các thôn, tái hiện cánh đồng lúa, làng quê, hình ảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất, gắn bó với đời sống của người dân địa phương.

Để có được bức tranh tường lớn như vậy, Đoàn thanh niên xã cùng lãnh đạo thôn trước đó đã tổ chức họp các gia đình trong thôn, trình bày ý tưởng. Chỉ khi nhận được sự đồng ý của các gia đình, họ mới bắt tay triển khai. 20 đoàn viên thanh niên, người vẽ, người tô sơn, sau hơn 3 tuần bức tranh hoàn thành. Điều đặc biệt là Đoàn xã không phải thuê người vẽ mà có 2 bạn sinh viên Khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội người địa phương tình nguyện tham gia.

Vẽ tranh cho ngõ, phố phải được kiểm soát

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Sinh, Bí thư Chi đoàn xã Đan Phượng cho biết: Tuyến đường Hủng, thôn Đông Khê khá hẹp, nếu để bồn hoa sẽ làm cho con đường trở nên hẹp hơn và ảnh hưởng tới giao thông đi lại của mọi người. Chính bởi vậy, Chi đoàn đã xin ý kiến lãnh đạo địa phương và người dân để thống nhất vẽ tranh.

“Việc vẽ tranh tường đã tập hợp được đoàn viên, gắn kết được mọi người với nhau, đồng thời tạo bộ mặt mới về xây dựng nông thôn tại địa phương. Các hộ dân có tuyến đường chạy qua là những người được thụ hưởng đầu tiên, sau đó là những người dân đi qua”, ông Sinh khẳng định.

Liên quan đến việc xin phép cơ quan chức năng, ông Sinh cho biết, chưa hề nghĩ đến việc phải xin phép. “Tôi chưa hề nghĩ đến việc xin phép ai khi vẽ tranh tường. Tuy nhiên, việc vẽ tranh cổ động của xã cũng xuất phát từ chủ trương của huyện”, ông Sinh nói. Tương tự, ông Mai Quang Dũng, Tổ trưởng Tổ dân cư số 5, cụm 2 (Phố Yên Phụ, Tây Hồ) cho biết, việc vẽ tranh ở ngõ 68 trước khi làm các hộ dân chỉ xin phép chính quyền địa phương mà không nghĩ đến việc phải xin cả Sở Văn hoá. “Tôi thấy việc người dân bỏ tiền ra để vẽ những bức tranh đẹp không gây phản cảm là một việc làm ý nghĩa và nên nhân rộng. Từ ngày bức tranh được vẽ đã thu hút rất nhiều lượt người đến tham quan chụp ảnh... Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình việc trước khi làm phải xin phép Sở Văn hóa để họ thẩm định”, ông Dũng nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động nói: Người dân vẽ trong nhà mình thì không sao nhưng vẽ tranh tường mà liên quan đến giao thông, đến hàng xóm, công cộng thì vẽ tranh gì, nội dung như thế nào đều phải được kiểm soát...

“Không phải thích vẽ gì thì vẽ. Vẽ ra ngoài đường, ngoài công cộng thì phải được kiểm soát chứ không thể tự do. Biết đâu vẽ tranh liên quan đến phản động, chống đối hoặc tranh nhạy cảm…”, ông Động nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Động cũng khẳng định không yêu cầu các hộ phải lên tận sở, bởi vì các quận, huyện đều có cơ quan văn hóa cả.

“Các cơ quan này sẽ báo cáo với chúng tôi về việc ở địa phương, quận, huyện họ quản lý có gia đình, tổ dân phố, phường... vẽ tranh với nội dung phù hợp. Việc làm đẹp cho phố, phường là việc chúng tôi không quá cứng nhắc nhưng nội dung, ý tưởng bức tranh phải phù hợp, không mang tính phản động”, ông Động chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.