Chưa bao giờ sự mất mát về kinh tế của những người nông dân quê nghèo lại lớn đến vậy.
Ngậm ngùi nhìn lợn chết
Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, người dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) nhận được thông tin “sét đánh” khi cơ quan chức năng phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ngay tại thôn Khóa Nhu 2. Vôi trắng đã được dải từ đầu làng đến tận cửa chuồng từ sau khi nhiều đàn lợn của các hộ gia đình trong xã Yên Hòa bị đưa đi tiêu hủy. Đóng kín cửa chuồng lợn, anh Lê Xuân Tình (34 tuổi, thôn Khóa Nhu 2) giờ chẳng màng gì đến công việc chăn nuôi nữa ngoài việc đem sổ sách ra tính khoản nợ vay ngân hàng và đại lý cám.
Anh Tình cho biết, sau khi cán bộ thú y công bố 8 mẫu xét nghiệm được lấy từ đàn lợn của gia đình anh dương tính với dịch tả lợn châu Phi, không ai tin những con lợn khỏe, chuẩn bị xuất chuồng, bán giống lại mắc bệnh. Việc tiêu hủy cả đàn lợn gần 200 con đồng nghĩa với việc các khoản nợ vay của anh Tình sẽ phải kéo dài, nặng gánh từng ngày và không biết khi nào có thể khởi đầu lại sản xuất khi vốn liếng không còn.
Theo ghi nhận thị trường, giá lợn hơi ngày 23/2 tại miền Bắc tiếp tục giảm giá ở nhiều nơi, nhất là sau khi công bố dịch tả lợn châu Phi. Tính từ đầu tuần đến nay có nơi đã giảm xuống 4.000 đồng/kg. Riêng tại tỉnh Hưng Yên giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 43.000 đồng/kg kể từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
“Trong số hàng trăm con lợn có nhiều con nái mang bầu sắp đến ngày đẻ, có nhiều nái mới đẻ, đàn con lúc nhúc chưa kịp bú mẹ đã bị đưa đi tiêu hủy khiến chúng tôi đau xót vô cùng”, anh Tình ngậm ngùi.
Theo tính toán của anh Tình, tổng trọng lượng đàn lợn bị tiêu hủy của gia đình anh là hơn 15 tấn. Ước tính, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã cướp mất gần 1 tỷ đồng của gia đình anh. Nhưng cái đáng lo nhất của anh lúc này chính là khoản nợ kéo dài với ngân hàng và đại lý cám. “Nếu như được hỗ trợ sớm số lợn bị tiêu hủy, trước hết tôi phải trả nợ để giữ uy tín sau đó mới có thể chăn nuôi lại”, anh Tình nói.
Ngay sát nhà anh Tình, hộ anh Lê Văn Nghĩa cũng chung cảnh ngộ “Tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống. Trước khi bị dịch, đàn lợn của tôi có 124 con; trong đó, có 20 con lợn nái, 10 con lợn hậu bị, 94 lợn con. Bây giờ tất cả đều đã bị tiêu hủy. Tiền đầu tư là tiền vay mượn ngân hàng, rồi còn tiền nợ đại lý thức ăn chăn nuôi… giờ tôi cũng chưa biết phải tiếp tục như thế nào?”.
Dù không có lợn mắc dịch nhưng hộ anh Trịnh Kế Ánh cũng phải chịu “vạ lây”: “Hai năm trước giá lợn xuống thấp tôi đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng, năm nay đàn lợn của gia đình không bị bệnh, nhưng nằm trong vùng dịch nên không xuất chuồng con giống được đã gây thiệt hại cho gia đình. Giờ phải canh chừng từng ngày vừa để lợn không bị bệnh, vừa để tìm mối xuất bán sao cho hòa vốn hoặc lỗ ít”, anh Ánh chia sẻ.
Số hộ chăn nuôi có lợn bị ốm tại xã Yên Hòa vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày. Tính đến ngày 23/2, đã có 16 hộ chăn nuôi ở thôn Khóa Nhu 2 bị mắc dịch tả lợn châu Phi. Điều này đồng nghĩa tổng số điểm nuôi lợn mắc dịch tại Hưng Yên đã lên 17 hộ với hơn 700 con phải tiêu hủy, thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Căng mình chốt trực và chờ hỗ trợ
Sau khi công bố dịch tả lợn châu Phi ở hai xã Yên Hòa và Trung Nghĩa, tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu các cơ quan hữu quan cùng vào cuộc để kiểm soát “đại dịch”, nhất là lập các chốt kiểm tra dọc tuyến đường giao thông, cổng làng, xã để phát hiện phương tiện, người dân vận chuyển lợn.
Ông Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân (giáp ranh xã Yên Hòa) cho biết, hiện nay, tổng đàn lợn của xã Tân Dân khoảng 20 nghìn con. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, xã đã huy động các tổ chức chính trị, hội đoàn thể tham gia phòng, chống dịch, tuyên truyền đến chủ hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, buôn bán lợn cách nhận biết về dịch bệnh, giúp nhân dân nắm được để có biện pháp phòng tránh. Đồng thời, tiến hành thống kê chi tiết số hộ nuôi lợn, tổng số đàn lợn trên địa bàn xã, kiểm tra giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi, giết mổ, buôn bán lợn trên địa bàn; chấn chỉnh ngay công tác giết mổ gia súc trên địa bàn, kiên quyết không để lưu thông lợn vào, ra khỏi vùng dịch.
Ông Nguyễn Minh Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn của tỉnh Hưng Yên khoảng 600 nghìn con. Đối với những hộ có lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn và tiêu hủy ngay tại chỗ, tránh vận chuyển để lây lan mầm bệnh. Tỉnh Hưng Yên sẽ hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu hủy theo quy định.
Nói về giải pháp hỗ trợ của địa phương, anh Lê Xuân Tình cho biết, theo quy định của Nhà nước, bà con chăn nuôi ở Yên Hòa đã chấp nhận hy sinh đàn lợn của mình để đảm bảo an toàn, tránh dịch bệnh lây lan nhưng mọi người cũng rất mong chính quyền địa phương sớm có hỗ trợ, đặc biệt là số tiền hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi như đúng quy định để bà con có chút vốn tái đầu tư làm lại.
“Các ngân hàng sớm có cơ chế cho nông dân vay vốn ưu đãi để bà con khôi phục lại chăn nuôi sau khi đợt dịch bệnh này kết thúc. Nếu các ngân hàng không tạo điều kiện giãn nợ và cho vay thêm vốn với lãi suất thấp thì bà con chúng tôi khó có cơ hội sống lại”, anh Tình mong mỏi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận