Nhờ tình báo Nga
Ngày 21/8/2013 đã xảy ra vụ tấn công bằng khí độc sarin vào khu vực Ghouta ở ngoại ô Thủ đô Damascus của Syria. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chuẩn bị tiến hành các cuộc không kích để trừng trị chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vì nó đã vượt qua “giới hạn đỏ” do chính ông Obama đặt ra vào năm 2012 (nếu vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria, ngay tức khắc nước này sẽ bị tấn công quân sự).
Đội điều tra vũ khí hoá học quốc tế tại hiện trường |
Theo lệnh của Tổng thống, Lầu Năm góc đã lập danh sách các mục tiêu cần ném bom. Danh sách ban đầu gồm 35 mục tiêu là các căn cứ quân sự do Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đệ trình đã bị Nhà Trắng bác bỏ do những mục tiêu này chưa đủ “gây đau đớn” cho chế độ al-Assad. Sau đó, danh sách này phải bổ sung các cơ sở hạ tầng dân sự và mỗi ngày lại càng dài thêm.
Cũng theo ý tưởng của Nhà Trắng, cuộc tấn công phải là một “đòn khủng khiếp”. Vì vậy, ngoài các tàu ngầm, tàu chiến sẵn sàng phóng tên lửa Tomahawk được triển khai ở vùng biển gần Syria, hai tốp máy bay B-52 cũng được chuyển đến các căn cứ không quân gần Syria. Vấn đề là không thể chỉ sử dụng tên lửa Tomahawk để tấn công các bệ phóng tên lửa của phía Syria nằm rất sâu dưới lòng đất, vì vậy phải cần tới máy bay B-52 chở bom 1.000kg để thực hiện sứ mệnh này.
Cũng như trong cuộc chiến chống Libya năm 2011, Anh và Pháp đã tỏ ra rất hào hứng. Ngày 29/8, đúng hôm Quốc hội Anh phản đối kế hoạch đưa nước Anh tham gia cuộc không kích, Thủ tướng Cameron đã ra lệnh cử 6 máy bay tiêm kích tới căn cứ ở Cyprus (Síp) và huy động 1 tàu ngầm có thể phóng tên lửa Tomahawk tham gia cuộc chiến.
Tại Pháp, Tổng thống Pháp Francois Hollande ra lệnh phái nhiều máy bay ném bom Rafale tham gia cuộc tấn công, mục tiêu được xác định ở phía Đông Syria. Ông Hollande đã định ra thời hạn cho giới quân sự khai hỏa cuộc chiến, theo đó, “giờ H” là trước buổi sáng thứ Hai, 2/9/2013.
Đùng một cái, Tổng thống Obama thông báo ông muốn “tham khảo thêm” ý kiến ý kiến Quốc hội Mỹ để được phép tiến hành cuộc can thiệp này, mặc dù vào năm 2011, khi tấn công Libya, Obama đã chủ động phớt lờ ý kiến của Quốc hội. Sau đó, Nhà Trắng lại nói rằng chiến dịch ở Syria đã được hoãn lại để Quốc hội có thời gian thảo luận, và rồi cuối cùng nó đã được hủy bỏ khi ông Obama chấp nhận đề nghị của Tổng thống Nga Putin, cho phép Syria tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình.
Các thanh sát viên quốc tế tiêu huỷ vũ khí hoá học ở Syria |
Chuyện gì xảy ra vậy, vì ông Obama không thể bỗng dưng thừa nhận nhận định của ông là sai, rằng chỉ có quân đội Syria mới có thể sử dụng khí độc sarin, trong khi ông là tổng thống của cường quốc số 1 thế giới?
Sự quay ngoắt của ông Obama xuất phát từ những nghiên cứu của Cơ quan tình báo quân sự Nga. Ngay trong những ngày tiếp theo cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hôm 21/8, các nhân viên GRU đã tiến hành phân tích nhiều mẫu hóa chất được sử dụng ở Ghouta và đã chuyển kết quả cho Trung tâm chế tạo và thử nghiệm vũ khí sinh hóa Porton Down thuộc tình báo Anh. Qua kiểm định, Trung tâm này đã khẳng định rằng khí độc được sử dụng ngày 21/8 không cùng loại với những gì đang có trong kho vũ khí hóa học của Syria.
Bức điện của Porton Down cho thấy, mọi lời tố cáo quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là “hoàn toàn không đúng”, cộng với cảnh báo trước đó của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey về nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn hơn nhiều ở khu vực Trung Đông nếu Mỹ không kích Syria, đã khiến Tổng thống Obama hủy bỏ cuộc can thiệp.
Tiết lộ vai trò của CIA và Thổ Nhĩ Kỳ
Quá trình điều tra còn làm sáng tỏ một chi tiết “động trời” khác. Chính quyền Obama chưa bao giờ công khai thừa nhận vai trò của mình trong việc xây dựng một con đường thâm nhập vào sâu trong lãnh thổ Syria để chuyên chở vũ khí đạn dược từ Libya cho phe đối lập Syria, đi qua phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một thỏa thuận bí mật được ký vào năm 2012 giữa chính quyền Obama và chính quyền của Thủ tướng Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tuyến đường trên, ngân sách sẽ được lấy từ các quỹ của Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar, còn CIA với sự yểm hộ của MI6 (Anh) sẽ phụ trách việc vận chuyển vũ khí.
Tuy nhiên, do bất ngờ xảy ra vụ tấn công (tháng 9/2012) vào tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi, thực chất là cơ sở bí mật của CIA điều phối “sứ mệnh” này, đã làm Đại sứ Mỹ Christopher Steven cùng 3 người khác thiệt mạng. Vụ việc đã buộc Washington phải chấm dứt vai trò của CIA trong việc vận chuyển vũ khí từ Lybia cho các phần tử thánh chiến, song con đường và “hàng hóa” thì vẫn tiếp tục được Thổ Nhĩ kỳ sử dụng – từ nay đã thoát khỏi tầm kiểm soát của Mỹ.
Cuối năm 2012, phiến quân bị thất thế trên chiến trường. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ rất tức giận, và ông này bắt đầu nghĩ rằng mình đã bị Mỹ lừa. Ông coi việc từ bỏ chiến dịch là một sự phản bội, đưa ông vào thế đơn độc.
Bước sang năm 2013, Erdogan biết rằng nếu ông ngừng ủng hộ phiến quân Hồi giáo thì mọi việc sẽ kết thúc. Đến khi quân Chính phủ Syria thực sự thắng thế trên chiến trường thì Erdogan khẳng định rằng chỉ có cuộc không kích của Mỹ mới có thể lật ngược được tình thế, và muốn điều này xảy ra thì phải gây ra một sự kiện buộc Mỹ tin rằng “giới hạn đỏ” đã bị (phía Syria) vượt qua.
Theo các báo cáo do Cơ quan tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) công bố sau này, đầu năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ trực tiếp với nhóm quân Hồi giáo cực đoan al-Nusra để chuyển giao và hướng dẫn các tay súng nổi dậy sử dụng khí độc sarin. Và vụ việc ngày 21/8/2013 là nằm trong khuôn khổ chiến dịch bí mật do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức để thúc đẩy Obama trừng trị Syria.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. May cho Syria và cũng may cho Mỹ!
Nguyên Phong
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận