Bất động sản

Ven đô ồ ạt xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

06/07/2020, 19:30

Nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đã và đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép.

img
Khu vực người dân phản ánh xây dựng trái phép tại Đồng Trũng Phan, Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội

"Làm đúng sưu nặng, làm sai miễn phí"

Đó là phản ánh ngắn gọn của người dân xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội về tình trạng, hơn trăm hộ dân thuộc xã này làm ăn, sản xuất chính đáng nhưng phải đóng thuế "cắt cổ" kể từ khi Chi cục Thuế huyện Đan phương thông báo giá thuế đất mới tăng đến 480%. Trong khi đó hàng chục hộ tự ý xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, đất lúa lại "tự do tự tại" sản xuất, kinh doanh mà không mất chi phí.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ dọc đê đường 422 (còn gọi là đê Đồng) dài hơn 1km kéo xuống cánh đồng Trũng Phan, khoảng 40-50 nhà xưởng kiên cố bằng mái tôn mọc lên san sát trên diện tích đất đê bao và đất trồng lúa. Tiếng người cắt cưa, bào rú ầm ầm. Xung quanh đổ, xếp hàng đống phôi gỗ nguyên khối, gỗ xẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Đỉnh điểm, tối 1/6, khu vực nhà xưởng xây dựng trái phép đã xảy ra vụ hoả hoạn lớn, thiêu rụi 3 nhà xưởng, đe doạ tính mạng cũng như tài sản của những hộ kinh doanh chân chính, đúng pháp luật xung quanh. Chỉ ít ngày sau các xưởng này cũng đã ngang nhiên "mọc" trở lại.

Thống kê của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đan Phượng cho biết, từ năm 2014 đến nay, huyện đã xử lý 209 trường hợp vi phạm với diện tích 7,9ha. Riêng xã Liên Hà xử lý 20 trường hợp với diện tích sai phạm 0,44ha.

Giả đáp về công tác quản lý đất đai trên địa bàn, ông Bùi Văn Hoa, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng thẳng thắn thừa nhận, có hiện tượng thiếu sót trong công tác quản lý đất đai, để xảy ra nhiều vi phạm mới. “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ tịch xã”, ông Hoa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoa, để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trên, cuối năm 2019, Uỷ ban nhân dân huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch Tổ chức xử lý, giải toả vi phạm đất đai trên địa bàn. “Đối với các trường hợp vi phạm phát sinh mới từ 2014 đến nay sẽ được xử lý xong trong năm 2021; Các trường hợp từ năm 2014 trở về trước sẽ xử lý dứt điểm chậm nhất năm 2024”, ông Hoa cho biết.

Tại buổi làm việc với PV Báo Giao thông, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu các quận huyện tập trung xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với "điểm nóng" Đan Phượng, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các sở liên ngành kiểm tra, rà soát, sẽ phản hồi lại khi có kết quả.

Cán bộ địa phương thờ ơ, thiếu trách nhiệm

Tình trạng sử dụng đất nông nghiệp trái phép cũng xảy ra trên địa bàn vùng ven của Hà Nội như Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì..

Đơn cử tại khu ruộng Gốc Xi, cách cổng trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Phụng Châu (Chương Mỹ) chưa đầy 2km, hàng chục ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát. Đồng ruộng không còn cảnh người gồng gánh, vun xới; Thay vào đó, ngổn ngang xi, gạch nằm chờ xây dựng. Hay tại Ba Vì, theo thống kê của huyện này, trong năm có 39 công trình vi phạm đất đai, hành lang giao thông đường bộ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ba Vì đã có 48 trường hợp vi phạm, trong đó có 46 trường hợp vi phạm đất đai, 2 trường hợp vi phạm hành lang giao thông đường bộ

Kết quả thanh tra liên ngành của TP Hà Nội cho thấy, tính đến tháng 12/2019, kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã, phát hiện hơn 62.600 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công với tổng diện tích gần 1.900ha. Đáng chú ý trong số hơn 62.600 trường hợp vi phạm có tới 52.338 trường hợp tồn tại từ trước năm 2014.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa nhận định: “Việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phải là hiện tượng mới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự thờ ơ của các cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát. Thiếu trách nhiệm trong công tác thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình”.

Theo ông Tùng, để hạn chế tình trạng trên, cán bộ chuyên trách địa chính tại địa phương cần phải nâng cáo ý thức trách nhiệm, kịp thời bồi dưỡng kiến thức quản lý đất đai, đảm bảo pháp luật được thực hiện đúng, công bằng cho người dân. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, vận động người dân thượng tôn pháp luật, tránh để xảy ra tình trạng vi phạm phải cưỡng chế, ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.