Những người biểu tình ủng hộ phe đối lập phản đối các tuyên bố của Tổng thống Maduro |
Các cuộc biểu tình rung chuyển Thủ đô Caracas của Venezuela vẫn tiếp diễn kể từ khi tình trạng khẩn cấp trên cả nước được ban bố, khiến nhiều người lo ngại chính trường Venezuela sẽ trở thành một Brasil thứ hai.
Thực trạng tồi tệ
Hôm qua, Tổng thống Nicolas Maduro đe dọa sẽ tịch biên các nhà máy đã ngừng sản xuất và tống giam các chủ sở hữu nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay của Venezuela. Tuyên bố này là động thái cứng rắn tiếp sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng hồi cuối tuần qua; Song nhiều khả năng sẽ kéo dài tới năm 2017, theo BBC.
Ông Maduro tuyên bố đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân trước những “thế lực bên ngoài” đã gây nên tình trạng tồi tệ hiện nay của Venezuela. Còn Bộ trưởng Truyền thông Luis Jose Marcano cho rằng, việc ban bố “tình trạng khẩn cấp” sẽ cho phép Chính phủ có nhiều nguồn lực hơn để phân phối thực phẩm, nhu yếu phẩm và thuốc men.
Từ 3 năm nay, người dân Venezuela phải sống trong cảnh thiếu lương thực và chăm sóc y tế cơ bản. Nhiều thời điểm không có điện và Chính phủ tuyên bố hạn hán đã ảnh hưởng tới nguồn cấp; Lạm phát hoành hành; Thiếu nhu yếu phẩm và bạo lực tràn lan. Không những thế, có những thời điểm người dân phải lũ lượt xếp hàng, tranh nhau mua từng cuộn giấy vệ sinh.
Hiện, Venezuela - quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự sụt giảm giá dầu toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 5,7% trong năm ngoái, tỷ lệ lạm phát lên tới 180%; Năm 2016 được dự báo sẽ giảm thêm 8% và lạm phát có thể tăng lên 720%, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Kịch bản nào cho Tổng thống Maduro?
Hiện, Tổng thống Venezuela như “ngồi trên đống lửa”. Cho dù đã ban bố tình trạng khẩn cấp, các cuộc biểu tình vẫn đang gia tăng từng ngày, từng giờ. Giới quan sát cho rằng, người dân Venezuela đã quá “chán ngán” với cảnh phải xếp hàng vài giờ mỗi tuần để mua hàng hóa cơ bản, hay vật vã khổ sở để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng và điện mỗi ngày.
Hôm qua, kết quả thăm dò của CNN cho thấy, có đến 70% người dân Venezuela muốn ông Maduro từ chức ngay trong năm nay. Phe đối lập hiện đang tìm mọi cách thu thập và đệ trình đơn kiến nghị với 1,8 triệu chữ ký ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân. Nhưng Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) vẫn chưa xác thực số chữ ký này. Các nhà hoạt động đối lập tố chính quyền đang cố tình… ngăn cản họ.
Thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles mô tả Venezuela hiện tại giống như một “quả bom hẹn giờ sẽ nổ tung bất cứ lúc nào”, đồng thời tuyên bố: “Chúng tôi muốn một đất nước không phải xếp hàng mới có thuốc chữa bệnh. Chúng tôi muốn thay đổi”.
Hôm qua, khi được hỏi về việc viện trợ cho Venezuela, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Đây là công việc nội bộ của Venezuela và chúng tôi sẽ không bình luận về nó”, theo Reuters ngày 16/5. Kể từ năm 2007, quốc gia thành viên OPEC này đã nhận khoảng 50 tỷ USD đầu tư tài chính từ Trung Quốc. |
Trong bối cảnh Thượng viện Brasil vừa thông qua việc truất quyền Tổng thống để chờ luận tội, Tổng thống Maduro không khỏi lo ngại sẽ đi vào vết xe đổ của người đồng cấp này và đã cho triệu hồi đại sứ nước này tại Brasil về để thảo luận, đánh giá những diễn biến tại quốc gia láng giềng. Ông Maduro gọi tiến trình luận tội Tổng thống Brasil là “một cuộc đảo chính”, kêu gọi các nước trong khu vực lên án động thái này và cần có các biện pháp đề phòng trước “một âm mưu đảo chính được thực hiện bởi Mỹ và các thế lực thù địch”.
Theo Hiến pháp Venezuela, nếu một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trước cuối năm nay, rất có thể một cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra sớm hơn và tại thời điểm đó, không ai dám chắc về số phận của Tổng thống Venezuala Maduro.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận