Đường sắt

Vênh khổ đường sắt, vận tải Lào Cai - Trung Quốc bị nghẽn

13/09/2016, 18:22

Vênh nhau về khổ đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc là điểm nghẽn lớn trong việc kết nối vận tải...

10

Nếu kết nối được khổ đường sắt giữa Lào Cai - Trung Quốc, sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trên tuyến này có thể lên đến 5 triệu tấn/năm - Ảnh: Ngô Vinh

Ưu tiên kết nối đường sắt Lào Cai - Trung Quốc

Vênh nhau về khổ đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc là điểm nghẽn lớn trong việc kết nối vận tải giữa Lào Cai nói riêng, các tỉnh phía Bắc nói chung với Trung Quốc trong nhiều năm qua. Chia sẻ về vai trò tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt cho biết, đây là tuyến đặc biệt quan trọng, nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Tuy nhiên, hiện tuyến đường đang bị vướng mắc về kết nối khổ đường sắt giữa hai bên nên gặp nhiều khó khăn.

Đường sắt ở Trung Quốc chủ yếu là khổ tiêu chuẩn 1.435 mm và chỉ duy trì đường sắt khổ hẹp 1.000 mm, đường lồng (gồm cả khổ 1.000 mm và khổ 1.435 mm) tại một số tuyến ngắn, nhà ga khu vực biên giới giáp Lào Cai. Trong khi đó, đường sắt từ Lào Cai đi Hải Phòng vẫn là đường khổ 1.000 mm nên chưa phát huy được”, ông Thành thông tin.

Không chỉ có hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc, hiện khá nhiều nước quan tâm đến việc xuất khẩu hàng Việt Nam bằng đường sắt quá cảnh Trung Quốc đi các nước Trung Á và châu Âu. Gần đây, tại cuộc làm việc với Bộ GTVT, ông Kanat Aipysbayev, Phó chủ tịch Đường sắt Kazakhstan cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa theo con đường này, nhất là sang Kazakhstan và từ Kazakhstan đi các nước khác.

Theo ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, hàng từ đường sắt Việt Nam đi đến các ga từ Sơn Yêu đến Thập Lý Thôn của đường sắt Trung Quốc không phải sang toa, chuyển tải. Tuy nhiên, nếu hàng xuất vận chuyển sâu vào nội địa Trung Quốc bằng các tuyến khác vẫn phải thực hiện sang toa chuyển tải từ toa xe khổ 1.000 mm sang toa xe khổ 1.435 mm tại ga Hà Khẩu Bắc. Ngược lại, hàng liên vận từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng phải sang toa.

“Mạng lưới đường sắt sâu nội địa Trung Quốc không còn khổ đường 1.000 mm nên lượng toa xe chạy khổ đường này để sang toa chuyển tải rồi chạy sang Việt Nam rất ít”, ông Tùng nói.

Để phát huy năng lực toàn tuyến, ông Lê Kim Thành cho rằng, cần phải nghiên cứu giải pháp kết nối để tổ chức khai thác vận tải giữa đường sắt Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai với đường sắt Trung Quốc trong giai đoạn quá độ khi phía Việt Nam chưa xây dựng đường sắt khổ 1.435mm tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

“Nếu kết nối được, việc chuyển tải có thể thực hiện cả hai bên tại ga Lào Cai và ga Hà Khẩu, tạo thuận lợi cho đường sắt Việt Nam chủ động trong bố trí đầu máy, toa xe để sang toa, vận chuyển”, ông Thành khẳng định.

Sản lượng có thể tăng hàng chục lần

Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, từ ngày đường sắt Trung Quốc làm đường 1.435 mm, vận tải đường sắt qua cửa khẩu Lào Cai sụt giảm nghiêm trọng và chỉ còn khoảng 6-7% so với trước kia. “Vì đường sắt Trung Quốc không còn đường 1.000 mm trong khi họ rất muốn vận chuyển hàng hóa qua lại hai nước bằng đường sắt nên việc kết nối rất quan trọng”, ông Dương nói.

Chia sẻ thêm, theo ông Vũ Tá Tùng, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn. Khoảng cách từ Côn Minh, Tứ Xuyên ra cảng Phòng Thành (Trung Quốc) để xuất nhập khẩu hàng hóa dài gấp đôi so với đi từ Côn Minh sang Lào Cai, từ đó đi cảng quốc tế Hải Phòng. Nếu đi bằng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vừa giảm được kỳ hạn chuyên chở, vừa giảm chi phí.

Theo thống kê của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, đơn vị được giao làm đầu mối trong giao dịch hàng liên vận quốc tế của đường sắt Việt Nam với đường sắt Trung Quốc, sản lượng vận chuyển hàng hóa tuyến Hà Nội - Côn Minh Bắc năm 2015 chỉ đạt hơn 350 nghìn tấn cả hai chiều xuất - nhập. Riêng 6 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 200 nghìn tấn. Các mặt hàng chủ yếu là DAP (phân bón) từ Trung Quốc về cảng Hải Phòng đi tiếp các nước hoặc tiêu thụ tại Việt Nam; Ngoài ra có hóa chất, thức ăn gia súc… Ở chiều xuất, hàng từ cảng Hải Phòng lên Lào Cai qua Trung Quốc là lưu huỳnh, quặng chì…

Ông Vũ Tá Tùng cho rằng, sản lượng trên tuyến này có thể tăng hàng chục lần, thậm chí lên đến 5 triệu tấn/năm nếu được kết nối khổ đường. Ngoài các mặt hàng hiện nay, có nhiều khách hàng tìm đến đề xuất vận chuyển nhiều nguồn hàng khác, trong đó có quặng sắt. “Ngoài việc kết nối khổ đường khu vực biên giới, cần tiếp tục nâng cao năng lực tuyến và đầu tư đường sắt vào các cảng biển khu vực Hải Phòng, có vậy mới đáp ứng được nhu cầu”, ông Tùng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.