Các vết nứt tại cầu Đuống, đe dọa an toàn người và phương tiện qua cầu. Ảnh: Internet |
Từ đầu tháng 10, tại cầu Đuống (Km 9+667 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, địa bàn Q. Long Biên, TP. Hà Nội) xuất hiện những vết nứt ở nhiều vị trí, đặc biệt là tại tứ nón phía hạ lưu, đe dọa an toàn giao thông khu vực cầu.
Qua đo đạc tại hiện trường, vị trí tiếp giáp giữa tứ nón và tường cánh mố cầu, tại phần thân tứ nón có 4 vết nứt. Trong đó, vết nứt lớn dài 6,7m, hở rộng 8,5 cm; mặt tứ nón có 3 vết nứt, trong đó vết nứt lớn dài 3,7m; mép ngoài tứ nón hở rộng 6 cm (trôi ra ngoài 6,5cm). Ngoài ra, còn có vết nứt trên bề mặt tường chắn, có dấu hiệu chuyển vị tại khu vực tiếp giáp giữa đốt số 2 và số 3, đá hộc xây gia cố sau lưng tường chắn bị lún sụt. Đường bộ đầu cầu tiếp giáp giữa mặt cầu và tứ nón bị lún sụt 1,2m x 2m, sâu 18cm. Các bộ phận khác như phần kết cấu cầu, đường sắt và đường bộ trên cầu không có hiện tượng biến dạng, bất thường.
Cùng đó, đường vào nhà dân và một số công trình của nhà dân lân cận cũng xảy ra tình trạng lún, nứt. Như hộ ông Lê Đình Quý ở vị trí tiếp giáp với tứ nón. Để đảm bảo an toàn cho gia đình ông Quý, đường sắt đã tổ chức di dời ngay trong đêm 3/10/2017 – ngày phát hiện vết nứt.
Về nguyên nhân các vết nứt trên, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, do sông Đuống đoạn qua khu vực cầu Đuống bị thu hẹp dòng chảy. Cùng đó, trụ các cầu đã được gia cố mở rộng trước đây, làm tăng lưu tốc dòng chảy qua cầu lớn, gây ra nước chảy xiết, đặc biệt tại vị trí trụ số 5 gần khu vực xảy ra sự cố, hình thành các dòng xoáy lớn gây xói sâu cục bộ và kéo theo các vật liệu thành phần hạt nhỏ ra sông. Tình trạng này kết hợp với đợt mưa lớn kéo dài do áp thấp nhiệt đới đầu tháng 10 tại các tỉnh miền núi phía Bắc làm nước sông dâng cao, tốc độ dòng chảy rất lớn đã gây ra sự cố xói lở tứ nón phía hạ lưu cầu Đuống.
Về giải pháp xử lý, trao đổi với Báo Giao thông chiều 30/11, ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải - đơn vị quản lý cầu Đuống cho biết, trước mắt công ty bố trí nhân viên trực cảnh giới 24/24h, 3 ban liên tục, mỗi ban 2 người để theo dõi thường xuyên diễn biến thực trạng để đảm bảo an toàn. Hàng tuần công ty đều đo, thực hiện quan trắc theo quy định và báo cáo gửi Tổng công ty Đường sắt VN để có biện pháp ứng phó kịp thời.
“Từ khi xuất hiện vết nứt đến nay khoảng hai tháng, qua theo dõi chưa biến dạng thêm nhiều. Có thể do thời tiết hanh khô nên vết nứt không bị mở rộng. Vì vậy, những vết nứt này chưa ảnh hưởng đến an toàn của người đi bộ và phương tiện trên cầu”, ông Vượng nói.
“Sự cố này rất nghiêm trọng, vì vậy ngay sau khi nhận được thông tin, Tổng công ty Đường sắt VN đã chỉ đạo các đơn vị lập sổ tiến hành công tác quan trắc, kiểm tra, theo dõi và chuẩn bị một số vật tư dự phòng đến công trình, lắp đặt tấm tôn trên phần mặt đường bộ đảm bảo êm thuận, đặt mốc theo dõi các vết bị lún sụt. Các đơn vị cũng bố trí lực lượng ứng trực để theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho các phương tiện và các công trình lân cận”, ông Hoạch cho biết thêm.
Để xử lý triệt để sự cố, theo ông Hoạch, Bộ GTVT và Cục Đường sắt VN đã chấp thuận cho phép đầu tư xây dựng công trình khắc phục hiện tượng sụt lún, hư hỏng trên tại cầu Đuống. Tuy nhiên, do tính chất kỹ thuật phức tạp, Tổng công ty đang phối hợp với Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) nghiên cứu chi tiết nhằm đưa ra phương án kỹ thuật xử lý gia cố triệt để, lâu dài, đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt, đường bộ và an toàn các công trình liền kề của các nhà dân trong khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận