Trước đó, một đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội và cho rằng cầu kính Rồng Mây bị nứt đã gây ra nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.
Hình ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bình khẳng định: "Thông tin được mọi người chia sẻ đó xuất phát từ 1 ô kính mà công ty đã chủ động tạo ra ngay từ khi thiết kế để tạo hiệu ứng cảm giác mạnh cho du khách chứ không phải do sự cố. Phần được đặt ô kính đó đặt giáp với khung thang máy, gần đường đi lên của động cơ nên du khách không đi đến, nếu ai để ý mới thấy được. Đây là phần hiệu ứng để du khách trải nghiệm và đã nằm trong thiết kế nên độ an toàn được đảm bảo tuyệt đối".
"Bình thường có một nhân viên sẽ đứng tại khu vực đó, để nói rõ với khách và mời du khách trải nghiệm mạo hiểu nếu du khách muốn. Nhưng có thể lúc đó nhân viên không có mặt, nên du khách không biết", ông Bình chia sẻ cùng PV Báo Giao thông.
Ông Bình cũng xác nhận vết "nứt" và hiệu ứng đó đã có từ lúc hoàn thành và đưa vào khai thác.
Cầu kính Rồng Mây
Cầu kính Rồng Mây được đặt tại Khu du lịch Rồng Mây trên Đèo Ô Quy Hồ, thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu, giáp với Sa Pa, Lào Cai. Cầu kính được hoàn thành và đưa vào khai thác đã hơn 2 năm và là một trong những điểm đến đặc biệt thu hút du khách.
Để lên được cầu kính Rồng Mây, du khách phải đi qua một đoạn đường hầm dài 70m xuyên qua núi dẫn tới hệ thống thang máy. Đây là con đường nhanh nhất đưa du khách lên khu vui chơi giải trí trên đỉnh núi sau chỉ vài phút, thay vì phải đi đường bộ ít nhất mất 3 tiếng đồng hồ.
Hệ thống thang máy cũng được thiết kế đặc biệt với hệ thống kính cường lực, cao 300m, chạy dọc từ chân núi tới cầu kính ở độ cao 2.200m so với mặt nước biển và 548m so với độ cao khe núi của dãy Hoàng Liên Sơn.
Tuy nhiên, chiều 11/2, một đoạn clip được đăng tải trên TikTok và cho rằng cầu kính Rồng Mây bị nứt đã gây sự chú ý của cộng đồng mạng.
Chủ clip chia sẻ: “Ban đầu tưởng vết nứt trên kính chỉ là hiệu ứng như cầu kính ở một số nơi từng làm để tăng thêm cảm giác mạo hiểm cho du khách. Vậy nên nhóm chúng tôi còn mạnh dạn đứng lên hẳn phần bị nứt đó để chụp ảnh”.
Những thông tin đó đã nhanh chóng thu hút hàng trăm lượt chia sẻ và hàng nghìn bình luận trên các mạng xã hội.
"Nếu người xem để ý trong đoạn clip thì phần nứt vỡ chỉ nằm ở một ô kính nhỏ và không gây nguy hiểm giống như thông tin người đăng clip cung cấp. Song do nhiều người không để ý và truyền nhau thông tin cầu kính Rồng Mây bị nứt trên các mạng xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của khu du lịch", ông Bình chia sẻ thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận