Đời sống

Vệt nứt kéo dài trên núi Hồng Lĩnh, 14 hộ dân nguy cơ bị vùi lấp do sạt lở

11/10/2020, 17:23

Một vệt nứt, sụt lở kéo dài trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã và đang đe dọa đến sự an toàn của 14 hộ dân ở phía dưới.

img
Người dân chỉ cho PV thấy vệt nứt kéo dài gây sạt lở trên núi Hồng Lĩnh

Từng có nhà dân bị đất đá vùi lấp

Vừa qua, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh của các hộ dân xóm 1, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Đã từ lâu, người dân nơi đây luôn sống trong tình trạng lo sợ vì ngọn núi Hồng Lĩnh xuất hiện vệt nứt, sụt lở kéo dài dọc sườn núi. Trong khi đó, nơi đây đã từng nhiều lần xảy ra sạt lở đất từ trên núi xuống đe dọa đến an toàn tính mạng người dân và gây hư hại nhiều tài sản.

Có mặt tại đây, PV nhận thấy phản ánh của bạn đọc là hoàn toàn có cơ sở. Từ xa nhìn lên lưng chừng ngọn núi Hồng Lĩnh thấy xuất hiện một khoảnh đất lớn bị sạt lở, cây cối bị cuốn trôi xuống dưới để lại lớp đất bạc phếch giữa khoảng rừng xanh.

Đưa tay chỉ về phía sạt lở, ông Nguyễn Xuân Hạ (62 tuổi) cho biết: Sạt lở ở đó chưa đáng quan ngại. Điều người dân lo sợ nhất là ở lưng chừng núi có một đường nứt và sụt lở kéo dài cả trăm mét chạy dọc sườn núi. “Nếu mưa lũ kéo dài, một phần quả núi này sạt xuống dưới thì không biết điều gì sẽ xảy ra”, ông Hạ nói.

Theo ông Hạ, từ trước tới nay ở đây đã có nhiều đất đá trên núi bị sạt xuống tràn vào nhà dân và gây hư hại nhiều hoa màu, cây ăn quả. Điển hình như khoảng năm 2009 - 2010, sau nhiều ngày mưa lớn, đất đá từ trên núi sạt xuống tràn vào nhà dân, ngập đến cả mét. Sau đó, chính quyền phải huy động các lực lượng đến hỗ trợ dân dọn dẹp, khắc phục.

“Đất đá trên núi sạt lở xuống không chỉ khiến tính mạng người dân luôn trong tình trạng bị đe dọa mà còn gây hư hại nhiều tài sản. Nhà tôi xây từ năm 2000, giờ muốn lên một tầng nữa để khi có công việc hay lễ tết, tụ họp nhưng không dám vì lo đất đá sạt xuống bất ngờ”, ông Hạ cho biết thêm.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Xuân Thanh (50 tuổi) cho biết: Năm 2009, đất đá trên núi Hồng Lĩnh sạt xuống vùi lấp toàn bộ cây cối trong vườn nhà anh.

“Đất đá tràn vào trong nhà đến hơn nửa mét, rất may lúc sạt lở là ban ngày nên mọi người trong nhà chạy kịp”, anh Thanh nói và cho biết thêm: Căn nhà anh được xây dựng từ những năm 2000, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chỉ dám sửa chữa qua loa ở mặt trong. Mặt ngoài không dám da trét, quét sơn vì lo ngại bất cứ lúc nào sạt lở vùi lấp.

Xác nhận những thông tin trên, ông Phạm Xuân Đại – Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân lo lắng nói: Có 14 hộ dân sống trong khu vực bị sạt lở, trong đó có 4 hộ ngoài phía QL1, 10 hộ ở phía trong. Đã từ lâu, nơi đây năm nào cũng có sạt lở đất đá nên được chính quyền huyện, xã đặc biệt quan tâm.

Năm 2012 hộ bàn Trần Thị Quán bị sạt lở vùi lấp cả ngôi nhà cấp 4 nên sau đó phải chuyển đi nơi khác. “Điều khiến chính quyền lo lắng nhất là hiện có 1 đường nứt, sụt lở kéo dài dọc sườn núi, cách mặt đất khoảng 100m”, ông Đại nói.

img
Dù đã xây dựng từ lâu và trải qua nhiều lần sửa chữa nhưng gia đình anh Nguyễn Xuân Thanh vẫn không dám da trét, quét sơn phần bên ngoài vị sợ sạt lở xuống vùi lấp lại tốn công, tốn của

Muốn chuyển đi nơi khác ổn định lâu dài

Theo những người dân nơi đây, tình trạng sạt lở đất đá từ trên núi Hồng Lĩnh xuống khu dân cư không chỉ đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân, gây hư hỏng nhiều tài sản mà còn làm xáo trộn đời sống của người dân nơi đây. Cứ mỗi lúc có bão hay mưa kéo dài là những người dân sống ở đây lại phải khăn gói đi đến nhưng nơi cao hơn tránh trú.

“Mỗi khi có mưa bão kéo dài, thấy nước chảy từ trên núi xuống có màu đỏ đục, kèm theo đất đá là cả nhà lại khăn gón chạy đi tránh trú nơi khác. Ai không đi thì cũng bị chính quyền đến tận nhà kiên quyết yêu cầu di tản để đảm bảo an toàn tính mạng”, anh Nguyễn Xuân Thanh nói.

Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Xuân Hạ cho biết thêm: Những lúc cấp bách hay đêm hôm người dân chỉ biết chạy lấy người, còn tài sản, gia súc gia cầm thì đành phải phó mặc cho số phận.

Theo cả ông Hạ và anh Thanh thì người dân đều mong muốn được di dời đi nơi ở khác để “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, hầu hết những hộ dân trong khu vực sạt lở đều là những nông dân nghèo nên bên cạnh chính sách hỗ trợ về đất đai thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ về nhà ở mới người dân mới di chuyển được. “Nếu được hỗ trợ thêm về nhà ở, tôi sẽ xin xung phong di chuyển đầu tiên”, ông Nguyễn Xuân Hạ nói.

Ông Phạm Xuân Đại – Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân cho biết: Mỗi khi có bão hay mưa lớn kéo dài là xã phải cử cán bộ về túc trực và kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài để người dân an tâm sinh sống, phải di chuyển đi đến nơi khác, an toàn hơn.

“Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền xã đã nhiều lần đề xuất cấp trên xem xét hỗ trợ người dân về đất ở và kinh phí xây dựng nhà cửa để sớm di chuyển chứ ngân sách xã không có. Cũng đã có nhiều đoàn của huyện, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh và mới đây nhất, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cũng đã về đây kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa chốt phương án cuối cùng để người dân có thể yên tâm sinh sống”, ông Đại cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.