Phải chăng sau giai đoạn khởi sắc, công tác đào tạo trẻ của bóng đá Đông Nam Á đang chững lại?
Dangda ở tuổi 34 vẫn đang là trụ cột ở đội tuyển Thái Lan
Vắng bóng sao mai
Chỉ còn hai trận đấu nữa, AFF Cup 2022 sẽ chính thức khép lại. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, giải đấu lớn nhất khu vực chưa xuất hiện cầu thủ trẻ nào chơi nổi bật. Những cầu thủ để lại ấn tượng đa phần đều đang ở độ chín nhất của sự nghiệp như Jordi Armat (Indonesia); Safawi Rasid (Malaysia); Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức (Việt Nam) hoặc thậm chí đang ở bên kia sườn dốc sự nghiệp như Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan (Thái Lan); Đỗ Hùng Dũng (Việt Nam); Darren Lok (Malaysia); Aryanto (Indonesia)…
Thực tế, ngay từ danh sách đăng ký dự giải của các đội bóng, người hâm mộ phần nào cũng thấy được sự “già cỗi” tại AFF Cup 2022. Ngoại trừ đội tuyển Lào có độ tuổi trung bình dưới 23, 9 đội tuyển còn lại đều dao động từ khoảng 24 tuổi tới ngoài 28 tuổi. Trong đó, Singapore là đội có độ tuổi trung bình lớn nhất với 28,6 tuổi, Thái Lan 28 tuổi, Việt Nam 26 tuổi, Malaysia 25,9 tuổi. Indonesia là đội có độ tuổi trung bình thấp nhất ở vòng bán kết với 24,7 tuổi.
Tổng thể như vậy, bản thân các đội bóng dự AFF Cup 2022 cũng không sở hữu những cầu thủ trẻ sáng giá. Một vài cái tên được kỳ vọng nhiều như Khuất Văn Khang (Việt Nam), Suphanat (Thái Lan) vì nhiều lý do khác nhau không thể góp mặt.
Đáng nói, ở một số kỳ AFF Cup gần nhất, top đội bóng mạnh trong khi vực đều ít nhiều giới thiệu được những cái tên triển vọng. Chanathip Songkrasin, Supachai, Supachok (Thái Lan); Hoàng Đức, Quang Hải, Tiến Linh, Công Phượng, Việt Anh (Việt Nam); Even Dimas, Irianto (Indonesia); Syafiq Ahmad, Akhyar Rashid, Safawi Rasid (Malaysia)… đều thành danh và bước ra từ giải đấu số 1 Đông Nam Á.
Việc thiếu các nhân tố trẻ rõ ràng làm cho AFF Cup 2022 thiếu đi sự bùng nổ, nét tươi mới cần thiết. Có thể thấy các đội bóng đều chủ trương chơi an toàn dựa trên nền tảng những cầu thủ cũ. Dù vậy, nhìn xa hơn, đây là tín hiệu đáng lo cho bóng đá Đông Nam Á trong mục tiêu vươn tầm bởi lực lượng kế cận đang có dấu hiệu thiếu hụt.
“Tôi cũng nhận thấy AFF Cup 2022 có ít cầu thủ trẻ chơi tốt. Tôi chỉ ấn tượng với duy nhất cầu thủ Marselino của Indonesia, dù mới 18 tuổi nhưng cậu ấy chơi khá chững chạc. Đương nhiên nếu nói ở tầm ngôi sao thì cậu ấy còn phải nỗ lực nhiều”, chuyên gia Vũ Mạnh Hải đánh giá.
Marcelino là cầu thủ trẻ hiếm hoi để lại dấu ấn tại AFF Cup 2022
Không quá đáng ngại
Tuy nói vậy nhưng chuyên gia Vũ Mạnh Hải lại cho rằng việc thiếu vắng những cầu thủ trẻ xuất sắc trong một giải đấu cụ thể chưa phải là điều gì quá đáng lo ngại. “Thực trạng này có thể xuất phát từ việc lựa chọn nhân sự của các đội tuyển, ưu tiên cho nhân sự tốt, giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, công tác đào tạo bóng đá trẻ không phải lúc nào cũng cho ra kết quả tốt. Giải trước xuất hiện cầu thủ trẻ giỏi nhưng giải này khan hiếm là điều bình thường”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng nhấn mạnh tới tính thời điểm chu kỳ phát triển của cầu thủ trẻ: “Tôi nhận thấy bóng đá Đông Nam Á nhiều năm qua đã chú trọng đầu tư nhiều cho đào tạo trẻ, nguồn cầu thủ trẻ cũng khá dồi dào. Giải năm nay chưa xuất hiện những cầu thủ trẻ nổi bật nhưng sau 2 năm nữa mọi chuyện hoàn có thể khác”.
Trong khi đó, bình luận viên Ngô Quang Tùng lại đề cập tới tính đặc thù của các nền bóng đá ở khu vực Đông Nam Á. “Myanmar và Singapore gần như không có tính liên kết giữa các thế hệ. Lứa 1995, lứa 1997 hay lứa 2000 gần như chẳng tiếp nối nhau. Bởi vậy thi thoảng vẫn thấy họ trình làng một lứa mới toanh. Thời điểm này chưa phải rơi vào chu kỳ thay thế lực lượng của họ nên việc không có nhân tố trẻ cũng dễ hiểu.
Singapore, Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia thì có tính kế thừa, cấy ghép hơn nhưng hiện tại lớp trẻ của các đội bóng này chưa thể đáp ứng trong bối cảnh lực lượng chính đang ở độ chín nhất. Khuất Văn Khang của Việt Nam chẳng hạn, bạn ấy tốt nhưng so với Hùng Dũng, Hoàng Đức thì còn kém hơn nhiều nên chưa được trao cơ hội. Các đội tuyển khác cũng vậy thôi, đây không phải là sân chơi để ươm mầm tài năng trẻ”, ông Tùng phân tích.
Từ phân tích trên, theo ông Tùng, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự phát triển của cầu thủ trẻ trong khu vực vẫn hạn chế: “Một cầu thủ trẻ muốn chen chân vào đội tuyển quốc gia đương nhiên phải xuất sắc, vượt trội. Lật ngược vấn đề ta thấy, rõ ràng những cầu thủ trẻ có chút tiếng tăm trong khu vực vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về mặt chuyên môn ở đội tuyển”.
Cũng theo vị bình luận viên kỳ cựu, việc nhiều quốc gia trong khu vực đẩy mạnh nhập tịch cầu thủ cũng làm hẹp đi cơ hội xuất hiện trên tuyển của cầu thủ trẻ. “Ngoại trừ Việt Nam và Thái Lan, nhiều đội bóng lớn như Malaysia, Singapore, Indonesia hay cả Philippines đều theo xu hướng tăng cường cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển. Cầu thủ trẻ vốn đã ít cơ hội nay lại có thêm sự cạnh tranh nên việc không có đất diễn là bình thường”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận