Quản lý

Vì đâu cảng biển Việt Nam duy trì tăng trưởng mạnh?

26/12/2018, 07:23

Dù vận tải biển tiếp tục gặp nhiều khó khăn với giá cước thấp, nhưng khối cảng biển tiếp tục ghi nhận tăng trưởng...

13

Tàu biển cập cảng Hải Phòng - Ảnh: Tạ Tôn 

Nhiều cảng lập kỷ lục sản lượng

Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng năm 2018 dự kiến sẽ cán mốc 8,6 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng container ước đạt 365.000 TEUs, tăng lần lượt 7% và 10% so với năm 2017. Kết thúc năm 2018, cảng cũng dự kiến thu về khoảng 700 tỷ đồng.

Theo ông Sia, sau khi tiến hành CPH vào tháng 8/2014, cảng Đà Nẵng đã đầu tư đồng loạt cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại. “Đặc biệt, cảng đã thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II, nâng độ dài cầu cảng lên tổng số 1.700m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70 nghìn DWT, tàu container đến 4.000 TEUs, năng lực khai thác từ 6 triệu tấn/năm lên 12 triệu tấn/năm. Nhờ đó, cảng Đà Nẵng có sức bật mạnh mẽ sau CPH, tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm, lợi nhuận trung bình tăng gấp 5 lần so với giai đoạn trước”, ông Sia nói.

"Để tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển Việt Nam, phương thức kết nối giao thông cần phải cải tiến hơn nữa. Các cảng trọng điểm quốc gia cần có thêm đường sắt kết nối vào trục Bắc - Nam, vào hành lang quốc tế và khu vực. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng và thí điểm cơ chế quản lý phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và luồng hàng hải theo mô hình cơ quan quản lý cảng theo Bộ luật Hàng hải năm 2015 cho từng vùng kinh tế trọng điểm, đi kèm với cơ chế đối tác công - tư (PPP) để thu hút mọi nguồn lực phát triển cảng lên quy mô lớn, có kết nối vùng miền đồng bộ, có trọng điểm”.

Ông Hồ Kim Lân
Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam

Ở phía Nam, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó giám đốc cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, từ đầu năm đến nay, cảng CMIT tổ chức đón thành công hơn 180 chuyến tàu mẹ cập cảng với tổng sản lượng thông qua hơn 1 triệu TEUs, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, lượng hàng hóa qua cảng của CMIT sẽ tiếp tục tăng mạnh khi tháng 5/2018 vừa qua, CMIT đã được Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN cho phép tiếp nhận tàu trọng tàu đến 194 nghìn DWT, sức chở tới 21.500 TEUs cập cảng hàng tuần.

“Các hãng tàu sẽ đưa các loại tàu này vào cảng làm hàng trong năm 2019”, ông Kỳ nói và cho biết, lượng tàu vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tính đến tháng 10/2018 tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại khu vực miền Bắc, khối cảng container tư nhân thuộc Tập đoàn Gemadept tại Hải Phòng bao gồm: Nam Đình Vũ, Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. “Năm 2018, tổng sản lượng hàng hóa thông qua 3 cảng này ước đạt 774.000 TEUs, tăng 9% so với năm 2017”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc khối cảng này thông tin.

Thống kê của Cục Hàng hải VN, 11 tháng năm 2018, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 478 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng container đạt hơn 16,3 triệu TEUs, tăng lần lượt 19% và 20% so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, dự kiến năm 2018, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt gần 597 triệu tấn. Riêng lượng hàng container qua cảng sẽ đạt xấp xỉ 17,7 triệu TEUs, tăng lần lượt 11% và 20% so với năm 2017. “Sản lượng đó đồng nghĩa với việc, công suất cảng biển của Việt Nam năm nay đã được khai thác tới 98%”, ông Cường nói.

“Chuyển mình” mạnh mẽ từ cơ chế quản lý đến chất lượng dịch vụ

Theo ông Trịnh Thế Cường, hầu hết các cảng biển ở Việt Nam đều ghi nhận kết quả kinh doanh tốt do có sự tác động mạnh mẽ từ sự tăng trưởng thương mại. “Theo thống kê, 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 223,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 217 tỷ USD, tăng lần lượt 14,4% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, sau 11 tháng, tổng kim ngạch XNK của cả nước đạt khoảng 440 tỷ USD, một mức khá cao”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho rằng, ngoài sự tác động của kim ngạch XNK, việc cải thiện phương thức kết nối với cảng biển thời gian qua đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khối cảng. Một số DN tại khu vực phía Bắc và phía Nam đã chú trọng phát triển vận tải thủy thay vì tập trung vào đường bộ như trước.

“Một số tuyến được khai thác khá hiệu quả như: Tuyến vận tải thủy container Việt Trì - Hải Phòng, tuyến vận tải hàng hóa hai chiều bằng sà lan từ các cảng khu vực Cái Cui, Trà Nóc, Hoàng Diệu trung chuyển qua các cảng và một số ICD trên địa bàn TP HCM để đi các tỉnh miền Trung, phía Bắc và ngược lại... là những ví dụ điển hình”, ông Cường nói và cho biết, xu hướng đầu tư trang thiết bị bốc, dỡ hàng hóa hiện đại tại các cảng hiện nay cũng khiến các hãng tàu yên tâm hơn khi lựa chọn cảng để vào làm hàng.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó giám đốc cảng CMIT cho rằng, việc gỡ khó cho hoạt động cảng của các cơ quan chức năng thời gian qua là yếu tố quan trọng để hoạt động kinh doanh cảng biển tăng tốc. “Cục Hàng hải VN đã phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện 11 thủ tục hành chính đối với tàu, thuyền ra - vào, rời cảng tại toàn bộ 25 cảng vụ hàng hải. Cục cũng đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 31/101 thủ tục hành chính gỡ bỏ rào cản không cần thiết. Đó là sự tạo điều kiện cần thiết để khối DN cảng nói riêng và các DN lĩnh vực hàng hải nói chung có được điều kiện phát triển tốt nhất”, ông Kỳ chia sẻ.

Ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN Dịch vụ logistics cho rằng, cảng biển đạt được kết quả ấn tượng trong năm 2018 có sự đóng góp không nhỏ trong công tác cải thiện thủ tục thông quan, giao nhận tại các cảng biển. Hiện, Cục Hải quan TP HCM đã triển khai hệ thống hải quan tự động (VASSCM) tại tất cả các kho bãi, cảng biển trên địa bàn, cho phép người khai hải quan không phải xuất trình các chứng từ giấy khi đưa hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan như trước, giúp việc làm thủ tục tại cảng được kéo giảm 1/3 - 1/2 thời gian cho từng lô hàng.

“Một số cảng như Cái Mép - Thị Vải, Cát Lái đã thực hiện xây dựng cảng điện tử e-port, áp dụng hướng dẫn đăng ký nhận container bằng lệnh giao hàng điện tử. Thời gian thông quan, giao nhận giảm, hàng hóa ra-vào cảng không bị ùn tắc, giúp hoạt động trong cảng thoát cảnh trì trệ. Cũng vì thế, công suất của cảng luôn được khai thác tối đa”, ông Tương nói.

Cũng theo ông Tương, thời gian qua, một số cảng cạn (ICD) được kết nối với vận tải thủy, nhất là tại khu vực phía Nam đã hỗ trợ đắc lực cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa XNK bằng container. “Theo ước tính, có khoảng 30 - 40% lượng hàng hóa XNK bằng container đã được được làm thủ tục thông quan tại các ICD khu vực phía Nam. Khối ICD ở phía Bắc chưa đạt được hiệu quả như vậy do phương thức kết nối chủ yếu vẫn là đường bộ”, ông Tương nhận định. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.