Ảnh hưởng bởi hàng loạt cơn sóng tới tấp từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến tranh chấp thương mại Hàn - Nhật, đặc biệt là sụt giảm nhu cầu mua xe toàn cầu, ngành sản xuất ô tô Hàn Quốc không tránh khỏi lao đao đến mức phải cắt thưởng, giảm lương và nhân sự.
Giảm tiền thưởng thấp nhất trong 20 năm trở lại
Công đoàn công nhân Hyundai Motor tại Hàn Quốc vừa bỏ phiếu, ngậm ngùi chấp nhận mức thưởng thấp nhất trong gần 2 thập kỷ trở lại đây.
Trong một thông báo được đăng tải sau khi có kết quả bỏ phiếu, Công đoàn Hyundai cảm ơn các thành viên vì đã ủng hộ quyết định của tổ chức, tạm ngừng biểu tình do cân nhắc tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cuộc chiến kinh tế Nhật - Hàn và những khó khăn trong ngành công nghiệp ô tô.
Thỏa thuận này nêu rõ, mức thưởng cho nhân viên của công ty sẽ bị giảm xuống còn 1,5 tháng lương cộng 3 triệu won, đứng ở mức thấp nhất kể từ năm 2000.
Ngoài ra, thỏa thuận còn có điều khoản thanh toán một lần lên tới 6 triệu won để giải quyết tranh chấp pháp lý liên quan tới lương, nâng tổng chi phí phải chi trả cho một nhân viên vào khoảng 16,27 triệu won (13.000 USD). Giới chức công đoàn cho biết, 60% công nhân Hyundai đã bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận trên.
Đề xuất hạ mức thưởng được thông qua đồng nghĩa Hyundai đã tránh được cuộc biểu tình của công nhân lần đầu tiên trong 8 năm trở lại đây.
Công đoàn Hyundai Hàn Quốc từng đe dọa sẽ biểu tình vì lương, thưởng thấp dù mức lương trung bình hàng năm cộng lợi ích và an toàn công việc tương đối cao, tới 92 triệu won trong năm 2018. Ý định này vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận và truyền thông.
Không chỉ vậy, với thỏa thuận trên, Hyundai còn ngăn chặn thua lỗ trong sản xuất tại Hàn Quốc. Hãng này dự tính sẽ hồi phục trở lại sau 6 năm liên tiếp sụt giảm lợi nhuận.
Ước tính đến năm ngoái, thị trường Hàn Quốc chiếm 37% trong tổng sản phẩm của Hyundai Motor. Hiện tại, hãng đang giảm sản xuất nội địa để tăng sản lượng nước ngoài.
Cùng chung cảnh với Hyundai, nhiều nhà sản xuất ô tô khác cũng đang khổ sở vì đàm phán lương với công đoàn. Hãng GM muốn đóng băng lương cơ bản năm nay, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp nhưng công đoàn GM tại Hàn Quốc cực lực phản đối và đe dọa sẽ biểu tình toàn diện trong tháng 9.
Renault Samsung, chi nhánh tại Hàn Quốc của nhà sản xuất ô tô Pháp Renualt SA cũng có kế hoạch giảm sản xuất từ đầu tháng tới.
Nguyên nhân nào đẩy ô tô Hàn lao đao?
Ngành ô tô vốn là một phần hình thành nên xương sống của lĩnh vực sản xuất tại Hàn Quốc, chiếm 12,1% trong tổng doanh số của các nhà sản xuất của nước này trong năm 2015 và đứng Top 10 trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vị thế của Seoul đang trượt dốc.
Quý đầu năm 2019, ngành ô tô trượt từ vị trí thứ 6 xuống ở vị trí thứ 7 toàn cầu với doanh số 957.000 phương tiện, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rất nhiều nguyên nhân đẩy ngành ô tô Hàn Quốc lao đao. Trong đó, Nhật Bản hạn chế nhập khẩu hàng Hàn Quốc, đe dọa gây tổn hại tới nền kinh tế lớn thứ 4 của châu Á.
Nguyên nhân khác là do xu hướng nhu cầu ô tô toàn cầu đang giảm ở mức đáng báo động. Nhu cầu ô tô tụt 6,6% xuống 37,4 triệu chiếc trong 5 tháng đầu năm 2019, theo thống kê từ Công ty Đầu tư và chứng khoán NH.
Nhận định về tình hình này, ông Cho Soo-hong, một nhà phân tích đến từ Công ty NH cho biết: “Tình hình lao dốc là do sự thay đổi cơ cấu trong ngành công nghiệp ô tô như chuyển đổi sang xe điện và sự trỗi dậy của ngành kinh doanh chia sẻ ô tô. Dự đoán, xu hướng nhu cầu mua xe thấp sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cũng phải chịu trách nhiệm cho chính những khó khăn mà họ đang phải trải qua bởi họ không chịu đầu tư sớm để bắt kịp những xu hướng đang thay đổi trên thị trường xe hơi.
Theo Viện Nghiên cứu thương mại và kinh tế công nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc có 34 trong tổng số 162 nhà đầu tư lớn nhất trong ngành ô tô tính trong năm 2016.
Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ có 12 nhà đầu tư. Tiếp nữa, các công ty Trung Quốc đầu tư tổng cộng 5,4 tỷ euro (tương đương 6,2 tỷ USD) còn phía Hàn Quốc chỉ chi 4 tỷ euro.
Tại Trung Quốc - thị trường chính của Hàn Quốc - đang được Chính phủ đầu tư mạnh vào ưu tiên sản xuất và sử dụng xe điện - mảng xe mà các công ty ô tô Hàn Quốc vốn không mạnh, do đó tình hình càng gặp khó.
Ở Mỹ cũng vậy, thị trường ô tô vẫn phát triển nhờ kinh tế địa phương mạnh nhưng triển vọng dành cho các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc lại đầy rẫy rủi ro vì thuế.
Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đàm phán các thỏa thuận để giải quyết những mối đe dọa an ninh quốc gia mà ngành ô tô Mỹ đang phải đối mặt.
Nếu thỏa thuận không đạt được trong vòng 6 tháng, Tổng thống Mỹ có thể quyết định hành động. Một nguồn thạo tin cho rằng, dù thuế chủ yếu nhắm vào châu Âu nhưng không loại bỏ khả năng các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cũng phải gánh chịu hậu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận