Pep Guaridola và Jose Mourinho cũng phải lè lưỡi
Cuối tuần qua, Ngoại hạng Anh mùa giải 2018-2019 đã chính thức hạ màn với chức vô địch thuộc về Man City. Nhưng điều đáng nói hơn, cuộc đua đến ngôi vương bóng đá Anh giữa Man City và Liverpool kéo dài tới tận vòng đấu cuối cùng. The Kop hẳn rất tiếc nuối khi giành tới 97 điểm, thua duy nhất 1 trận nhưng không thể vô địch. Tuy nhiên, sẽ có đôi chút bất công nếu Man City để tuột chiếc cúp bạc bởi đoàn quân của HLV Pep Guardiola đã thể hiện được bản lĩnh trong những thời điểm then chốt.
Từ việc Man xanh và The Kop ganh đua tới phút chót cho thấy sự hấp dẫn và khốc liệt của Ngoại hạng Anh. Ngay cả Pep Guardiola, người rất giỏi ở những cuộc chiến đường dài, từng chinh phục La Liga, Bundesliga và Jose Mourinho, HLV rất giỏi chịu áp lực cũng đều phải thừa nhận, Ngoại hạng Anh khác biệt so với phần còn lại của châu Âu. Một chi tiết cần được nhắc đến, Tottenham cũng từng chạy đua với Man City và Liverpool nhưng do lực lượng chưa đủ dày, thày trò HLV Maurio Pochettino đã hụt hơi sau hơn 2/3 chặng đường.
Để làm rõ hơn về sự khốc liệt của giải Ngoại hạng Anh, hãy cùng thực hiện một vài phép so sánh nhỏ. Liverpool với 97 điểm, chỉ giành ngôi Á quân. Trong khi đó, nhà vô địch Serie A Juventus kịch khung cũng chỉ giành được 95 điểm. Hiện tại, Lão bà đang có 89 điểm và vẫn còn 2 trận chưa đá. Nhà vô địch La Liga Barcelona cũng chỉ có thể giành 89 điểm bởi chỉ còn 1 trận và hiện đang sở hữu 86 điểm. Tương tự, PSG dù thắng 2 trận cuối tại Ligue 1 cũng chỉ đạt 94 điểm.
Như vậy, cả 3 nhà vô địch ở 3 giải đấu trong top 5 châu Âu (có cùng 20 đội) đều có thành tích kém hơn đội về nhì Ngoại hạng Anh. Nhưng đây mới là điểm cần lưu ý. Barcelona vô địch khi đang hơn đội xếp thứ 2 Atletico Madrid tới 11 điểm. Juventus hơn đội về nhì Napoli 13 điểm còn PSG bỏ xa Á quân Lille tới 16 điểm. Rõ ràng, không giải đấu nào khốc liệt bằng Ngoại hạng Anh.
Lật lại quá khứ, trong 3 mùa giải gần nhất, duy nhất mùa 2017-2018, Ngoại hạng Anh ngã ngũ sớm với sức mạnh vượt trội của Man xanh, hai mùa còn lại đều chứng kiến cuộc đua cực kỳ hấp dẫn tới ngôi vô địch. Mùa giải 2016-2017, Chelsea cạnh tranh cùng Tottenham cũng tới những vòng cuối. Mùa giải 2015-2016, Leicester City bất ngờ lên ngôi, bất chấp sự bám đuổi quyết liệt của Arsenal, Tottenham. Tính ra, 4 mùa, Ngoại hạng Anh đón 3 nhà vô địch. Trong khi đó, PSG độc chiếm Ligue 1, Juventus không có đối thủ tại Serie A còn Barca chỉ một lần chịu nhường ngôi vương cho Real Madrid.
Mấu chốt nằm ở… tiền
Theo tờ Straitstimes, sở dĩ Ngoại hạng Anh có tính cạnh tranh cao là bởi giải đấu này luôn tồn tại sự ganh đua giữa 6 ông lớn gồm: Chelsea, Arsenal, MU, Man City, Liverpool và Tottenham. Ngược lại, La Liga gần như chỉ tồn tại cuộc đua giữa 3 đội bóng gồm Barcelona, Real Madrid và Atletico Madrid. Serie A những năm gần đây không có cái tên nào đủ lực ngăn cản Juventus khi Inter Milan và AC Milan vẫn ngụp lặn trong khủng hoảng. Ở Ligue 1, PSG trở thành độc cô cầu bại, sở hữu đội hình quá mạnh so với phần còn lại.
“Mỗi mùa giải Ngoại hạng Anh, người hâm mộ luôn khó dự đoán về cái tên lên ngôi vô địch. Serie A, Bundesliga hay Ligue 1 thì ngược lại, chưa đá gần như đã xác định được đội sẽ nâng cúp. Đó chính là khác biệt lớn nhất. Ngoại hạng Anh sở hữu nhiều đội bóng nguồn lực mạnh, đủ sức chạy đua đường dài còn những giải đấu khác không có được điều này nên chức vô địch thường bị gói gọn trong một, hai cái tên. 6 đội tranh một danh hiệu đương nhiên hấp dẫn hơn 2 đội hoặc 1 đội băng băng về đích”, Straitstimes nhận định.
Nhưng theo chuyên gia Paul Hayward của tờ Telegraph, mấu chốt tạo nên một giải Ngoại hạng Anh giàu tính cạnh tranh là tiền: “Chúng ta nói đến top 6 Ngoại hạng Anh nhưng vì sao họ có thể duy trì vị thế của mình lâu như vậy? Tất cả đều là những cỗ máy kiếm tiền thượng hạng. Theo bảng xếp hạng những CLB kiếm tiền giỏi nhất thế giới năm 2018, Ngoại hạng Anh đóng góp tới 5 đại diện là Liverpool (364 triệu bảng), Chelsea (367 triệu bảng), Arsenal (419 triệu bảng), Man City (453 triệu bảng), MU (581 triệu bảng). Việc có nguồn thu chót vót giúp những đội bóng hàng đầu nước Anh duy trì được khả năng cạnh tranh nhờ nhiều bản hợp đồng chuyển nhượng chất lượng”.
Tuy nhiên, sẽ thiếu sót nếu chỉ nhắc tới nhóm ông lớn Ngoại hạng Anh. Những đội bóng nhỏ cũng góp phần tạo nên sức cạnh tranh cho giải đấu cao nhất xứ sương mù. Khác với các giải đấu tên tuổi hàng đầu châu Âu, Ngoại hạng Anh có công thức chia thưởng rất công bằng. Như mùa giải năm nay, mỗi đội tham dự đều nhận gần 100 triệu bảng cố định, cộng thêm thưởng vị trí và bản quyền truyền hình. Nhà vô địch Man City nhận khoảng 190 triệu bảng còn đội đứng cuối cùng Huddersfield Town cũng nhận được gần 120 triệu bảng.
Tại La Liga, Serie A hay Bundesliga, các đội không nhận được khoản thưởng cứng. Tiền thưởng vị trí khi kết thúc mùa giải cũng thấp hơn nhiều Ngoại hạng Anh. Đặc biệt, tiền bản quyền truyền hình cũng được ăn chia không đều. Đơn cử, Barcelona, Real Madrid và Atletico Madrid hưởng 30% tiền bản quyền truyền hình La Liga trong khi 17 đội còn lại hưởng 70%.
“Ở Ngoại hạng Anh, những CLB tầm trung hoặc thậm chí trung bình yếu cũng kiếm về khoản tiền lớn sau mỗi mùa giải. Số tiền này họ dùng vào việc tái đầu tư nâng cấp đội hình. Xherdan Shaquiri trước khi gia nhập Liverpool từng khoác áo Stoke City. Đội chủ sân Bet365 Stadium phải bỏ ra hơn 10 triệu bảng để chiêu mộ anh từ Bayern Munich. Mùa giải năm ngoái, Southampton từng chi 22 triệu bảng để mua Carrillo từ Monaco.
West Ham chơi trội hơn với bản hợp đồng mua Felipe Anderson từ Lazio với giá 40 triệu bảng. Everton thậm chí còn khiến các ông lớn phải “nể” khi “đốt” 144 triệu bảng để mua sắm ở mùa giải năm ngoái. Trong đó, riêng bộ ba Yerry Mina, Lucas Digne và Richarlison đã ngốn gần 100 triệu bảng ngân quỹ Everton. Việc có những cầu thủ chất lượng trong đội hình giúp nhóm dưới Ngoại hạng Anh chơi tốt, nhiều lần gây khó khăn cho các ông lớn, tạo nên sự khốc liệt cho giải đấu”, chuyên gia Dennis Wise của Sky Sports phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận