Ngày 2/6, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, ngành chức năng tỉnh vừa tiến hành cuộc họp "bàn cách tháo gỡ" việc Sở GD&ĐT tỉnh này nợ doanh nghiệp 5,67 tỉ đồng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 tại Gia Lai.
Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai phân bổ ngân sách Trung ương cấp đầu năm 8,5 tỷ đồng cho Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai thực hiện chương trình này trong năm 2019. Tuy nhiên, dự toán số kinh phí này đã bị hủy tại Kho bạc Nhà nước.
Cụ thể, Sở GD&ĐT đã phân bổ, xây 12 công trình tại địa bàn 4 huyện và hoàn tất, nghiệm thu cuối năm 2019. Tổng số tiền sử dụng việc xây dựng là 5,67 tỉ đồng; Ngoài ra, trên 2,8 tỉ đồng để thực hiện mua sắm trang thiết bị năm 2019 nhưng chưa thực hiện. Cả hai hoạt động trên đã thanh toán không đúng thời hạn, và không thực hiện nên dẫn đến số kinh phí 8,5 tỷ đồng theo dự toán ngân sách bị hủy.
Liên quan đến vụ việc trên, UBND tỉnh Gia Lai đã giao Sở Tài chính chủ trì cùng các đơn vị như Sở GD&ĐT, Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng và Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai đưa nội dung vụ việc ra để phân tích.
Theo đó, nguyên nhân các công trình xây dựng đã nghiệm thu nhưng Sở GD&ĐT chưa thanh toán được từ phía Kho bạc Nhà nước vì khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai chưa thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư 86/2018/TT-BTC ngày 18/9/2018.
Tại khoản 2, điều 4, Thông tư 86 nêu: Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu giáo dục của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Sở Tài chính, Sở KH&ĐT tổng hợp trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và gửi Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Gia Lai không làm theo hướng dẫn này.
Cụ thể, theo quy định, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu của tỉnh gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy vậy, Sở GD&ĐT lại tự mình phê duyệt.
Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Gia Lai với UBND tỉnh: "Để có cơ sở thanh toán đối với 10 công trình dưới 500 triệu đồng do Sở GD&ĐT phê duyệt, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra sự phù hợp của các hồ sơ thiết kế, dự toán công trình, khối lượng và chất lượng công trình theo hồ sơ thiết kế và dự toán đã phê duyệt. Sau khi có kết quả của Sở Xây dựng về việc trên, Sở GD&ĐT có văn bản đề xuất UBND tỉnh xem xét thống nhất danh mục dự án và dự toán công trình đã thực hiện để có cơ sở thanh toán cho các đơn vị theo quy định".
Liên quan đến vụ việc trên, Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, bộ phận có liên quan trong việc thực hiện chưa đúng nêu trên.
Cùng ngày, ông Ngô Ngọc Sinh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết: "Sắp tới, tỉnh sẽ tiến hành cuộc họp làm việc với các ngành. Sau đó, UBND tỉnh xem xét, có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT", ông Sinh nói.
Trước đó, Báo Giao thông phản ánh, 12 công trình thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 tại Gia Lai đã được xây dựng, hoàn tất và nghiệm thu cuối năm 2019. Đến nay, nhiều tháng liền doanh nghiệp xây dựng chưa được thanh toán nên lâm cảnh nợ nần, không có tiền chi trả nhân công, vật tư thi công...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận