Tỷ lệ cân đối cung cầu có mức độ thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái |
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tiêu thụ nông sản, liên kết từ sản xuất đến thị trường”do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27/2, lý giải về nguyên nhân khiến xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm mạnh thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo Thứ trưởng Tuấn Anh, tính đến hết quý I/2015 tình hình xuất khẩu có sụt giảm chung, trong đó nông lâm thủy sản sụt giảm tương đối lớn (10%), trước tiên cần nhận định từ đầu năm đến giờ, biến động thị trường nông lâm thủy sản thế giới tương đối bất ngờ. Tỷ lệ cân đối cung cầu có mức độ thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, nguồn cung của mặt hàng nông lâm thủy sản tăng như gạo, thủy sản, cao su…Giá liên tục giảm thậm chí một số mặt hàng giảm sâu như cà phê, thủy sản. Các nước xuât khẩu gia tăng cạnh tranh nông thủy sản như Ấn Độ, Thái Lan. Thêm vào đó, nguồn cầu thế giới tương đối yếu do suy thoái kinh tế dẫn tới điều chỉnh nguyên liệu đầu vào ở nhiều quốc gia. Đối với các mặt hàng thế mạnh của chúng ta có rất nhiều đối tác cung cấp được.
Bên cạnh đó, những nguyên nhân mang tính dài hạn, chiến lược như trình độ công nghệ chế biến nông, thủy sản của chúng ta mặc dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với thế giới. Trong tổ chức sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn tồn tại dựa trên kinh tế hộ cá thể gây khó khăn trong nâng cao năng lực sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị.
Liên quan đến mối liên kết 4 nhà trong tiêu thụ nông sản, một số ý kiến cho rằng, sự ngắt quãng thông tin trên thị trường từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ là một trong những lý do chính khiến hiện tượng “được mùa mất giá ” của nhiều sản phẩm nông nghiệp thời gian qua, trong đó có dưa hấu và hành tím…
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: “Xét về góc độ của doanh nghiệp, sự liên kết giữa 4 nhà còn nhiều bất cập và hạn chế, trong đó vai trò “nhạc trưởng” là Nhà nước vẫn chưa mạnh mẽ, chưa phân rõ trách nhiệm nhất là trách nhiệm của địa phương trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch sản xuất trên thực tế. Bằng chứng cho thấy, ở nhiều địa phương, nông dân thấy lợi nhuận trước mắt sẵn sàng bỏ quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu, do vậy cần xem xét lại việc phối hợp giữa 4 nhà trong từng lĩnh vực cụ thể”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang đẩy mạnh các giải pháp để tạo ra lợi thế so sánh của các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các mặt hàng trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ tốt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận