Thực tế cho thấy, không ít những tài xế vi phạm nồng độ cồn đã phải trả đến cả triệu đồng một lần cẩu kéo xe về bãi tạm giữ.
Từ thực tế đó, nhiều người thắc mắc: Để giảm chi phí, nếu vi phạm nồng độ cồn thì có được gọi người thân đến đánh xe ô tô về bãi tạm giữ hay không?
Vi phạm nồng độ cồn sẽ không được nhờ người thân lái xe về điểm tạm giữ
Trả lời nội dung này, luật sư Trần Minh Quân (Giám đốc Công ty Luật Trần Nguyên) cho biết, theo quy định, CSGT có quyền lập biên bản và tạm giữ phương tiện khi người điều khiển vi phạm các lỗi như: không có bằng lái, có nồng độ cồn trong cơ thể, dương tính với ma túy...
Việc tạm giữ phải tuân theo những quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, cán bộ CSGT phải có quyết định tạm giữ bằng biên bản đối với phương tiện của người vi phạm. Phương tiện bị tạm giữ sẽ được lực lượng chức năng niêm phong, ghi nhận hiện trạng.
"Trong trường hợp thời điểm lập biên bản, ra quyết định tạm giữ, chủ phương tiện không có mặt tại hiện trường hoặc có mặt, nhưng không đủ điều kiện để tiếp tục điều khiển xe về trụ sở thì lực lượng chức năng sẽ điều xe cẩu đến để đưa phương tiện về nơi tạm giữ", ông Quân cho biết.
Luật sư Trần Minh Quân (Giám đốc Công ty Luật Trần Nguyên)
Luật sư Trần Minh Quân cho biết, hiện nay không có quy định nào cho phép nhờ người thân điều khiển xe vi phạm về bãi tạm giữ.
"Vì vậy, người vi phạm nồng độ cồn không có quyền yêu cầu lực lượng CSGT cho người thân của mình đến điều khiển ô tô về bãi tạm giữ", luật sư Quân nói.
Luật sư Trần Minh Quân cho hay, trong một số trường hợp, lực lượng thi hành nhiệm vụ cũng có thể xử lý linh hoạt bằng cách lái xe về trụ sở, nhưng cần yêu cầu người vi phạm cùng lên xe để giám sát việc lực lượng chức năng di chuyển xe.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) thì cho biết, xe ô tô của người vi phạm nồng độ cồn là phương tiện vi phạm hành chính, khi CSGT lập biên bản tạm giữ thì CSGT phải có nhiệm vụ bảo vệ xe ô tô của người vi phạm không bị hỏng hóc, bị thất lạc, bị mất.
"Chính vì thế, việc giao cho người thân của người vi phạm có thể xảy ra những tình huống như người này không điều khiển về bãi tạm giữ, hay trên đường gặp những sự cố ảnh hưởng đến ô tô. Vì vậy, lực lượng CSGT phải tiến hành cẩu kéo đúng quy định để bảo đảm an toàn cho phương tiện của người vi phạm", ông Chinh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận