Người dân mong ngóng, chủ đầu tư lo lắng, còn nhà thầu đỏ mắt ngóng mặt bằng.
Cầu Vàm Cái Sứt khởi công tháng 10/2020, dự kiến hoàn thành tháng 4/2022, sau gia hạn hợp đồng đến 30/4/2023 và nay tiếp tục dời sang tháng 5/2024.
Liên tục trễ hẹn
Những ngày cuối tháng 7, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực triển khai xây dựng cầu cầu Vàm Cái Sứt (TP Biên Hòa), cầu Bạch Đằng 2 (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)...
Cầu Vàm Cái Sứt cũng là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Đồng Nai. Đây là hạng mục quan trọng trong dự án đường hương lộ 2, từ khu vực Aqua City của Nova Land chạy dọc sông Đồng Nai để nối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Khi hoàn thành sẽ tạo nên một tuyến mới kết nối từ thành phố Biên Hòa đi TP.HCM, giúp giảm tải, ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51.
Dự án khởi công vào tháng 10/2020, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 390 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 4/2022.
Thế nhưng, dự án phải gia hạn hợp đồng đến ngày 30/4/2023 nhưng cũng không hoàn thành và nay tiếp tục dời sang tháng 5/2024.
Anh Nguyễn Đức Bình (nhà ở Biên Hòa) cho biết, mỗi ngày anh đều đi ngang khu vực triển khai cầu Vàm Cái Sứt nhưng mãi không thay đổi gì: “Công trình trọng điểm mà cứ thi công kiểu này thì không biết bao giờ mới xong”.
Rơi vào cảnh tương tự, dự án cầu Bạch Đằng 2 với quy mô 4 làn xe, nối TP Tân Uyên (Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cũng đang chậm tiến độ so với kế hoạch.
Cầu có chiều dài hơn 2,8km, vốn hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách, mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, Liên danh CTCP Tập đoàn Cienco 4 và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 492 phụ trách thi công.
Trong ngày khởi công (tháng 12/2021), người dân huyện Vĩnh Cửu nghe thông báo dự án sẽ hoàn thành sau 15 tháng đã mừng khấp khởi. Thế nhưng, đến tháng 3/2023 là ngày về đích, dự án mới chỉ đạt 30%.
Ông Nguyễn Trọng Liêm, kỹ sư Tập đoàn Cienco 4 cho biết, đã thi công xong cọc khoan nhồi và gần hoàn thành hạng mục mố trên bờ. Ngoài ra, trụ T4 đã thi công xong phần bệ, đang triển khai phần thân. Tuy vậy, phía Bình Dương vẫn còn vướng mặt bằng chưa xử lý hết.
“Phía bờ Đồng Nai hiện nay thi công đã vào guồng và các hạng mục lần lượt được triển khai. Riêng bờ Bình Dương trên sông các hạng mục được tăng tốc tuy nhiên trên bờ vẫn vướng mặt bằng để triển khai đường dẫn và mố cầu nên tiến độ bị ảnh hưởng”, ông Liêm nói.
Gỡ điểm nghẽn mặt bằng
Đến tháng 3/2023 là ngày về đích, dự án cầu Bạch Đằng 2 mới chỉ đạt 30%. Đến nay, đang vướng mặt bằng phía Bình Dương.
Không chỉ có 2 cây cầu trên, cầu Thống Nhất trên địa bàn TP Biên Hòa khởi công từ cuối tháng 1/2023 đến nay cũng đang tắc tiến độ.
Cầu Thống Nhất và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Dự án giúp kết nối 2 phường Thống Nhất và Hiệp Hòa của TP Biên Hòa, giúp người dân di chuyển, ra vào nội ô thuận lợi hơn.
Theo kế hoạch, dự án sẽ thi công trong gần 3 năm. Tuy nhiên, theo ghi nhận, khu vực triển khai dự án đến nay gần như không hoạt động gì. Khi chúng tôi có mặt ở công trường, có khoảng 5 máy cuốc, máy ủi nằm bất động. Chỉ có 5 công nhân đang đúc các cấu kiện bê tông tại phần đất dự án đã được bàn giao.
Đối với dự án cầu Bạch Đằng 2, ông Nguyễn Cao Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, thời gian giải phóng mặt bằng đối với dự án không chậm.
Địa phương đã giải phóng trước thời hạn, vấn đề chủ yếu nằm ở phía Bình Dương. Địa phương đã gặp gỡ nhà thầu và động viên tinh thần, đề nghị nhà thầu tăng tốc để dự án sớm về đích.
Về dự án cầu Vàm Cái Sứt, ông Đỗ Khôi Nguyên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, đã có phương án để sớm giải quyết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai, đẩy tiến độ dự án.
Hiện cơ quan chức năng đang phải xử lý phần mặt bằng phần chồng lấn ranh giữa bản đồ cũ và bản đồ mới với diện tích khoảng 1.300m2 của hộ bà N.T.K.A. Khi nhận đủ tiền phần chồng lấn ranh, người dân mới đồng ý cho đơn vị thi công đắp đất gia tải giai đoạn 2.
Với cầu Thống Nhất, dù đã khởi công hơn nửa năm nhưng hiện 20 bè cá của các hộ sinh sống trên sông Đồng Nai vẫn chưa được di dời, nhà thầu không thể thi công các trụ dưới nước. Một công nhân cho biết, thời gian qua công nhân chỉ tập trung đúc các cấu kiện bê tông trên bờ.
Trong khi đó những người nuôi cá bè cho biết, họ có nắm thông tin phải di dời nhưng hiện vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể, bồi thường hỗ trợ nên vẫn chờ cơ quan chức năng có quyết định chính thức.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi khởi công, các nhà thầu đã chủ động đưa máy móc, nguyên vật liệu về tập kết để phục vụ thi công. Nhưng do vướng mặt bằng trên bờ và dưới sông nên hiện đơn vị thi công chưa thể tiếp cận vị trí xây dựng.
Sốt ruột với tiến độ cầu Thống Nhất, ông Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các đơn vị chức năng sớm di dời số bè cá trên. Lãnh đạo các sở tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải có trách nhiệm xác định vị trí, con nước phù hợp để di dời lồng bè đến nơi an toàn.
Đại diện Ban điều hành công trình cầu Thống Nhất cho hay, từ đầu tháng 7 đến nay, nhà thầu đã được bàn giao thêm một số diện tích mặt bằng nên bắt tay thi công cuốn chiếu.
Tuy nhiên, phía các đơn vị thi công vẫn mong muốn sớm được bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai sớm, từ đó mới có thể đảm bảo được tiến độ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận