Quản lý

Vì sao 26 nhà thầu lọt “danh sách đen” của Bộ GTVT?

28/05/2016, 13:36

Danh sách đánh giá kết quả 480 nhà thầu xây lắp do Bộ GTVT công bố có 26 nhà thầu chưa đạt yêu cầu.

7

Vi phạm trong thi công tại cầu Cốc Pài, CIENCO 8 sa chân vào nhóm nhà thầu yếu - Ảnh: Đình Quang

Bản danh sách đánh giá kết quả 480 nhà thầu xây lắp do Bộ GTVT vừa công bố có tới 26 nhà thầu nằm trong nhóm “chưa đáp ứng yêu cầu”, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như: CIENCO 8, Tổng công ty Sông Hồng, Keangnam, Kukdong... Vậy, đâu là con đường dẫn các “ông lớn” rơi vào “danh sách đen” này?

Vi phạm tiến độ, nhà thầu nội bị sa chân

Trúng thầu hợp đồng với giá trị 92 tỷ đồng, Tổng công ty XDCTGT8 (CIENCO 8) đảm nhiệm thi công Gói thầu B3-19, xây dựng cầu Cốc Pài (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) thuộc dự án tín dụng ngành GTVT để nâng cấp, cải tạo hệ thống cầu yếu lần thứ 2 do Ban QLDA6 làm đại diện chủ đầu tư. Khởi công cuối tháng 12/2014, cầu Cốc Pài được thiết kế với chiều dài chưa đầy 1km, yêu cầu kỹ thuật không quá phức tạp nhưng lại quá sức với một đơn vị xây lắp từng có nhiều tên tuổi như CIENCO 8.

Những yếu kém, vi phạm trong quá trình thi công tại dự án đã đưa CIENCO 8 sa chân vào nhóm 26 nhà thầu xây lắp “chưa đáp ứng yêu cầu” của Bộ GTVT. Cụ thể, theo hồ sơ tổng hợp kết quả đánh giá của Cục QLXD&CLCTGT từ chủ đầu tư dự án, con đường để CIENCO 8 lọt vào “danh sách đen” do nhà thầu này vi phạm hai lần về tiến độ thi công, kèm theo hai lỗi về khả năng huy động nhân sự và máy móc, thiết bị trong quá trình triển khai dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Trọng Huấn, Trưởng phòng dự án 5 (Ban QLDA6) - người trực tiếp phụ trách dự án cho biết, theo hợp đồng ký kết, cầu Cốc Pài phải đảm bảo thông xe kỹ thuật vào 31/12/2015. Tuy nhiên, nhà thầu đã không đáp ứng được yêu cầu, dù chủ đầu tư nhiều lần ra văn bản phê bình, cảnh cáo. “Mặt bằng dự án có sẵn, điều kiện thời tiết thuận lợi nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 10/2015, tiến độ thi công chậm hơn 20% nhưng nhà thầu không bố trí máy móc, thiết bị và nhân lực để triển khai. Chúng tôi đã nhiều lần ra văn bản phê bình, cảnh cáo nhưng nhà thầu vẫn không có chuyển biến khiến dự án đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành”, ông Huấn nói và khẳng định, việc đánh giá kết quả thực hiện của chủ đầu tư đối với CIENCO 8 tại công trình này ở mức “chưa đáp ứng yêu cầu” là hoàn toàn chính xác và khách quan.

Ngồi cùng “mâm” với CIENCO 8 trong nhóm 26 nhà thầu xây lắp “chưa đáp ứng yêu cầu”, Tổng công ty Sông Hồng còn bết bát hơn khi tham gia thi công tại gói thầu XL05: Km1441 - Km1445 và cầu Giăng Dây (giá trị hợp đồng 32,8 tỷ đồng) thuộc dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa. Theo kết quả đánh giá nhà thầu của Ban QLDA7 (đại diện chủ đầu tư) cho thấy, Tổng công ty Sông Hồng mắc đến 3 vi phạm trong quá trình thực hiện dự án. Ông Nguyễn Khắc Quân, Phó tổng giám đốc Ban QLDA7 cho biết, 3 vi phạm của Tổng công ty Sông Hồng tại dự án gồm: Chậm tiến độ thi công tổng thể, chậm tiến độ thi công chi tiết và chuyển nhượng khối lượng cho nhà thầu khác thực hiện.

Đồng hành cùng hai “ông lớn” kể trên còn có sự góp mặt của khoảng 20 nhà thầu nội khác như: Tổng công ty Xây dựng Đường thủy, Công ty CP Trung Thành, Công ty CP Thi công cơ giới và dịch vụ, Công ty CP Xây dựng Ninh Thuận, Công CP Đức Phú, Công ty CP Xây dựng Minh Anh… “Các nhà thầu xây lắp bị đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu chủ yếu do lỗi chậm tiến độ công trình”, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT chia sẻ.

Nhà thầu ngoại: Bệnh cũ tái phát

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, có mặt trong bản “danh sách đen” của Bộ GTVT là bốn nhà thầu ngoại đến từ xứ sở kim chi gồm: Công ty TNHH Keangnam Enterprises, Công ty Samwhan, Công ty TNHH Xây dựng Kukdong và Công ty Halla Corporation. Ngoài hai cái tên khá mới là Samwhan, Halla Corporation, Keangnam và Kukdong nổi tiếng sau những bê bối trong việc bảo hành công trình tại các dự án giao thông lớn ở Việt Nam, điển hình nhất là Gói thầu A5 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Keangnam) và Gói thầu số 2 đường nối Nhật Tân - Nội Bài (Kukdong).

Sau những lùm xùm tại các dự án trọng điểm phía Bắc, Keangnam và Kukdong cùng nhau khăn gói xuống phía Nam, liên danh với Hanshin trúng thầu thi công tuyến tránh Rạch Giá (giá trị 1.962 tỷ đồng) thuộc dự án đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1. Đáng nói, khi những tai tiếng còn chưa kịp lắng xuống, bệnh cũ của hai nhà thầu ngoại lại tái phát. Theo kết quả đánh giá của Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông (Cửu Long CIPM - chủ đầu tư), hai nhà thầu Keangnam và Kukdong “không đáp ứng yêu cầu” do vi phạm về tiêu chí trách nhiệm bảo hành công trình.

Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Cửu Long CIPM cho biết thêm, trong tổng số 17 nhà thầu tham gia thi công các dự án do Cửu Long CIPM làm chủ đầu tư, chỉ có Keangnam và Kukdong là hai nhà thầu xây lắp bị đánh giá “chưa đáp ứng yêu cầu” trong năm 2015.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Quang Hiển cho biết, các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp dựa vào những diễn biến thực tiễn trên hiện trường như: Công tác huy động tài chính, máy móc; Khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình; An toàn lao động; Giải quyết các thủ tục thanh toán, nghiệm thu và việc thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình.

“Chiếu theo các tiêu chí trên, nhà thầu có trên 6 lỗi/gói thầu hoặc từ 21 lỗi trở lên/các gói thầu hoặc có từ một vi phạm trở lên trong các gói thầu sẽ bị đánh giá là “chưa đáp ứng yêu cầu”. Trong khi đó, các nhà thầu được đánh giá “đáp ứng yêu cầu” sẽ phải đảm bảo tiêu chí có từ 3 lỗi trở xuống/gói thầu hoặc từ dưới 8 lỗi/các gói thầu và không có vi phạm trong quá trình thực hiện. Còn lại, các nhà thầu có 4 - 6 lỗi/gói thầu hoặc từ 8 đến 20 lỗi/các gói thầu sẽ được đánh giá ở mức trung bình”, ông Hiển cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.