Giáo dục

Vì sao "ép không thi lớp 10" tồn tại như "ung nhọt" trong nhiều năm qua?

25/04/2022, 16:40

TS. Vũ Thu Hương khẳng định, chuyện ép học sinh không thi vào 10 đã tồn tại từ rất lâu. Song, tất cả đều chưa được giải quyết tận gốc.

Việc "ép không thi lớp 10" đã tồn tại từ rất lâu

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin một số trường THCS vận động, thậm chí ép buộc học sinh yếu kém không tham gia dự thi vào lớp 10 công lập. Thay vào đó, chọn hướng học trường tư hoặc học nghề.

img

TS. Vũ Thu Hương

Chia sẻ với Báo Giao thông về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy) cho rằng, đây là một trong những câu chuyện về bệnh thành tích trong giáo dục. "Mà bệnh thành tích lại khiến con người ta trở nên giả dối, hình thức hơn".

Theo TS. Vũ Thu Hương, nguyên nhân đến từ việc các lãnh đạo luôn yêu cầu trường liên tục phải báo cáo các con số, thành tích. Để làm đẹp các con số hơn so với trường khác, chưa nói đến việc được đánh giá là trường tốt hay chưa.

Song, nhà trường không thể dựng lên một con số để báo cáo bậy bạ được. Để có những con số có thật, đẹp đẽ, các trường đã có các hình thức phi giáo dục như vậy.

"Trong một lớp, có nhiều em học sinh khác nhau, có em học hành ngoan ngoãn nhưng kết quả học không cao, có em xuất sắc đặc biệt, có em lại thông minh nhưng lại ẩu... đó là hình ảnh của cuộc sống.

Nếu như cố gắng ép các con số ấy để biểu thị hình ảnh của cuộc sống, thì những người làm giáo dục không hiểu gì về ngành giáo dục cả", TS. Vũ Thu Hương khẳng định.

Trong khi đó, TS. Vũ Thu Hương cho hay, giáo dục là ngành nghề liên quan đến con người, tâm lý, hành động,... tất cả các con số không có giá trị trong việc thể hiện sự tiến bộ, hữu ích của nhà trường.

Con số đẹp thì còn gì để cải tiến nữa!

Theo TS. Vũ Thu Hương, ở các nước trên thế giới, không bao giờ người ta đánh giá chất lượng dựa trên các con số mà trực tiếp qua các buổi kiểm tra đột xuất của cán bộ ngành, trực tiếp tại các trường.

img

Theo TS Vũ Thu Hương các con số không biểu thị tất cả các mục tiêu của ngành giáo dục. Ảnh minh họa

Từ đó, họ nhận được ra rất nhiều vấn đề xảy ra trong môi trường đó. Chẳng hạn, thầy cô giáo có thật sự có tâm, yêu thương trẻ và dạy tốt hay không? Học sinh có thực sự ngoan hay không? Học sinh ở đó đối xử với nhau như thế nào?...

"Còn ở chúng ta, lãnh đạo ngành giáo dục lại cho rằng từ báo cáo, họ có thể tìm cách cải tiến giáo dục,.

Nhưng nếu những con số có dấu hiệu bất ổn thì mới tìm cách để cải thiện được. Còn những con số lúc nào cũng đẹp ở mức 100% thì còn gì để cải thiện nữa?, TS. Vũ Thu Hương bày tỏ.

Công bằng để nói, TS. Vũ Thu Hương khẳng định, nền giáo dục Việt Nam không phải quá tệ so với trên thế giới, mà chỉ bị vấn đề ở bệnh thành tích và bệnh hình thức. Tất cả cái này đều đến từ các con số, báo cáo.

"Tất cả chúng ta đều biết, mục tiêu của ngành giáo dục bao gồm kiến thức, kỹ năng, đạo đức. Với 3 mục tiêu này, những con số chỉ biểu hiện một mục tiêu duy nhất là kiến thức. Nếu những con số thể hiện các yếu tố còn lại thì đây đều là những con số ảo.

Hiện nay, tỉ lệ trẻ em vi phạm nội quy học đường, vi phạm luật giao thông. Nhưng tất cả những con số này nhưng đều không được thể hiện trong các báo cáo giáo dục", nữ TS nói.

Cải tổ giáo dục không thể dựa trên các con số

Nhìn nhận thực tế, TS. Vũ Thu Hương khẳng định chuyện ép học sinh không thi vào 10 là có thật. Bản thân chị từng biết câu chuyện đầu tiên đến nay là đã 7 năm rồi. Những người trong ngành biết với nhau, xì xào từ rất lâu.

img

Chuyện ép học sinh không thi vào 10 đã được người trong "ngành" xì xào từ lâu. Ảnh minh họa

Nhưng, cách giải quyết của chúng ta luôn chỉ xử lý theo quy trình: Đưa ra sự việc - Thanh tra - Kết luận không có vụ việc - Sự việc chìm xuống.

"Tức là, những vấn đề này chưa bao giờ được giải quyết tận gốc. Các lãnh đạo của ngành giáo dục không nhìn rõ vào bản chất, nguyên nhân vấn đề mà chỉ giải quyết như xoa dịu dư luận mà thôi. Chính vì vậy, tình trạng này vẫn cứ diễn ra liên tục trong nhiều năm trời", nữ TS bày tỏ.

Theo TS. Vũ Thu Hương, muốn cải tiến giáo dục, con số không phải là tất cả, mà còn từ giáo viên, môi trường, điều kiện cơ sở vật chất...

"Sự cải tổ trong ngành giáo dục không nằm ở phương pháp dạy học, cơ sở vật chất mà ở ngay chính cách làm việc của lãnh đạo ngành giáo dục. Đó là đánh giá thông qua con người chứ không phải thông qua các con số.

Hay nói cách khác, cải tổ ngành giáo dục rất đơn giản là biến các con số trở thành việc kiểm tra trực tiếp. Nếu chưa thể thay đổi ngay được, chúng ta vẫn nên cần có những buổi thanh tra trực tiếp đi kèm với các con số.

Lúc đó, các con số sẽ thành con số biết nói. Những vấn đề của ngành giáo dục chắc chắn sẽ được giải quyết tận gốc", nữ TS nhìn nhận.

Năm nay, toàn thành phố Hà Nội dự kiến khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020 - 2021).

Tuy nhiên, chỉ khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS có cơ hội vào lớp 10 công lập (khoảng 77.000 học sinh), số còn lại vào trường tư thục (khoảng 27.000 học sinh).

Các trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển khoảng 12.900 học viên, còn lại khoảng 12.100 em theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.