Cảnh sát đường thủy kiểm tra giấy tờ thuyền viên, phương tiện thủy |
Sau năm 2019, các bằng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy hiện tại bắt buộc phải chuyển đổi sang giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng. Sau thời hạn trên, loại bằng trên không còn giá trị sử dụng, người có bằng muốn cấp mới sẽ phải thi lại và có nguy cơ bị xử phạt nặng. Vậy, nguyên nhân vì sao lại có chuyện này?
Bằng thuyền trưởng sắp hết thời
Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, hiện đang tồn tại song song hai loại giấy tờ cấp cho người được phép đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng phương tiện thủy là “bằng thuyền trưởng” và “giấy chứng nhận khả năng (KNCM) thuyền trưởng. Trong đó, bằng thuyền trưởng đều được cấp trước năm 2015 theo quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ năm 2004. Còn giấy chứng nhận KNCM được cấp từ năm 2015 theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông ĐTNĐ (có hiệu lực từ năm 2015). Cả hai loại giấy tờ trên đang có giá trị như nhau, nhưng sau năm 2019, bằng thuyền trưởng không còn giá trị sử dụng. Điều này cũng tương tự với bằng máy trưởng phương tiện thủy.
“Sau ngày 31/12/2019, bằng thuyền, máy trưởng phương tiện thủy nội địa sẽ không còn giá trị sử dụng để vận hành phương tiện. Khoản 2, Điều 3 của Luật số 48/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ quy định, bằng thuyền, máy trưởng được cấp trước ngày 1/1/2015 chỉ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2019”, ông Đỗ Minh Tiến, Phụ trách Phòng Quản lý phương tiện và thuyền viên Cục ĐTNĐ Việt Nam thông tin.
Cũng theo ông Tiến, người có bằng chỉ cần làm thủ tục đề nghị chuyển đổi và sẽ được cấp giấy chứng nhận KNCM thuyền, máy trưởng hạng tương ứng.
Lý giải nguyên nhân vì sao luật quy định chuyển đổi, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, không chỉ là thay tên gọi mà để phù hợp với quy định chung với hệ thống bằng cấp trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề. Việc này cũng tương tự như giấy phép lái xe đối với người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải. Hơn nữa theo luật mới, giấy chứng nhận KNCM thuyền trưởng chỉ có giá trị sử dụng 5 năm, còn bằng thuyền trưởng được cấp trước đây không có thời hạn, nên việc chuyển đổi cũng nhằm quản lý tốt hơn đối với đội ngũ thuyền viên phương tiện thủy.
“Theo luật mới, người có bằng thuyền, máy trưởng có 5 năm để tự nguyện đổi sang giấy chứng nhận KNCM. Tuy vậy, toàn quốc hiện có tới khoảng 75.000 bằng thuyền, máy trưởng nhưng chưa chuyển đổi. Sau thời hạn trên, nếu không cấp đổi sẽ không được tiếp tục sử dụng để hành nghề vận tải”, ông Tiến nói.
Ngoài số lượng trên, Cục ĐTNĐ Việt Nam ước tính còn khoảng 20.000 bằng thuyền, máy trưởng khác, nhưng tính theo thời điểm và độ tuổi của người được cấp, hầu hết đã quá tuổi lao động bình quân, nên khả năng cao sẽ không có nhu cầu xin chuyển đổi.
Tâm lý “nước đến chân… mới nhảy”
Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, sau gần 4 năm Luật Giao thông ĐTNĐ sửa đổi mới có hiệu lực, tuy nhiên đến nay chỉ có gần 6.000 thuyền, máy trưởng thực hiện chuyển đổi sang giấy chứng nhận KNCM. Con số này quả là khá thấp so với tổng số bằng cần phải chuyển đổi.
Khảo sát của PV Báo Giao thông những ngày qua, rất nhiều thuyền viên, thậm chí lãnh đạo đơn vị vận tải thủy, doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực đường thủy vẫn ngỡ ngàng với thông tin phải đổi bằng. Ông Trần Việt Kim, thành viên một hợp tác xã vận tải thủy Bắc Ninh cho biết, gần đây mới nghe nói đến việc phải đổi bằng thuyền, máy trưởng sang giấy chứng nhận.
Quá hạn bị xử phạt và thi lại, học lại Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, thủ tục đổi bằng thuyền, máy trưởng được thực hiện theo Thông tư 56 ngày 24/10/2014 của Bộ GTVT. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị theo mẫu, 2 ảnh màu 2x3cm, giấy khám sức khỏe, bản sao bằng (kèm bản chính nếu làm thủ tục trực tiếp) hoặc bản sao có chứng thực. Người cấp đổi có thể làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan đã cấp bằng hoặc thủ tục trực tuyến qua mạng internet, gửi qua bưu điện. Lệ phí cấp đổi 50.000 đồng/giấy. Thông tư cũng quy định, thuyền, máy trưởng có bằng quá hạn sử dụng 12 tháng (tính từ năm 2020) phải thi lại lý thuyết mới được cấp đổi giấy chứng nhận KNCM với hạng bằng tương ứng. Quá hạn trên 12 đến dưới 24 tháng phải thi lại cả lý thuyết và thực hành. Quá hạn từ 24 tháng trở lên phải học lại, thi lại theo chương trình của hạng bằng tương ứng. Ngoài thi lại, theo quy định tại Khoản 5, Điều 16 Nghị định 132 năm 2015 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ, hành vi sử dụng bằng thuyền, máy trưởng quá hạn bị xử phạt 2-3 triệu đồng. |
“Đơn vị chúng tôi có gần 100 người có bằng thuyền, máy trưởng nhưng chưa thấy ai đi đổi. Cũng may biết sớm, nếu không đến hạn cuối đông người đổi lại mất nhiều thời giờ chờ đợi”, ông Kim nói.
Tương tự, lãnh đạo một công ty quản lý bảo trì đường thủy ở phía Bắc cho biết, phần lớn thuyền viên của công ty đã có bằng thuyền, máy trưởng và chứng chỉ nghề đường thủy từ trên dưới 20 năm trước, nhưng giờ mới chú ý đến thông tin về việc đổi bằng. “Giờ tôi mới nghe thông tin về việc phải đổi bằng. Luật quy định rồi nên bắt buộc phải thực hiện. Tới đây, đơn vị sẽ thống kê để yêu cầu người lao động đi đổi bằng trước hạn chót để không ảnh hưởng đến công việc của đơn vị”, lãnh đạo doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) nói.
Ông Trần Quang Trung, quyền Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Nam (đơn vị được ủy quyền tiếp nhận cấp, cấp đổi bằng) cho biết, phía Nam có số lượng thuyền, máy trưởng nhiều nhất cả nước nhưng thời gian qua số lượng làm thủ tục cấp, đổi bằng không đáng kể. Nguyên nhân có thể do người có bằng chưa muốn đổi để tận dụng tối đa thời hạn được sử dụng bằng, đỡ phải đổi sớm hơn trong lần đổi kế tiếp.
“Giấy chứng nhận KNCM có thời hạn 5 năm nên có nhiều người có tâm lý chờ đến cuối năm sau mới đổi, để sau 5 năm nữa mới phải đổi tiếp”, ông Trung nhận định. Cũng theo ông Trung, người đổi bằng hầu hết đến làm thủ tục trực tiếp nên khả năng vào những tháng cuối năm 2019 số lượng đổi sẽ tăng đột biến, gây quá tải.
Nhận định nguy cơ quá tải vào thời điểm cuối có thể xảy ra, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết: “Cục đã chỉ đạo các đơn vị, bộ phận chức năng đề xuất các giải pháp thường xuyên tuyên truyền, vận động trực tiếp các doanh nghiệp, người làm nghề đường thủy sớm làm thủ tục đổi bằng. Ngoài vận động, có thể tính đến việc khuyến khích đổi bằng thông qua việc cho chọn giấy chứng nhận có “số đẹp”, tặng tài liệu cẩm nang ATGT… mở nhiều điểm đổi để tránh dồn ứ, tập trung gây ra quá tải cục bộ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận