Máy bay của hãng hàng không Air Berlin |
Thua lỗ vì tái cơ cấu không thành công
Air Berlin chật vật suốt nhiều năm nay, tổng thua lỗ trong 2 năm qua lên tới 1,2 tỉ euro và đang dựa dẫm vào nguồn đầu tư từ cổ đông lớn nhất Etihad Airways có trụ sở tại Abu Dhabi (khoảng 49% cổ phần tại Air Berlin). Giải thích nguyên do thua lỗ nặng, ban quản lý Air Berlin cho biết, từ năm ngoái, hãng hàng không Air Berlin đã bắt tay vào kế hoạch tái cơ cấu mở rộng bao gồm cho Lufthansa thuê 38 máy bay cùng phi hành đoàn, cắt giảm 1.200 việc làm, tương đương 1/7 lực lượng lao động.
Thế nhưng chiến lược tái cơ cấu không thành công. Hãng này đối mặt với hàng loạt sự cố huỷ chuyến, chậm trễ giờ nghiêm trọng, kéo theo “dòng lũ những lời phàn nàn”. Air Berlin tiêu tốn 335 triệu euro vì tái cơ cấu, thiệt hại nặng vì các cuộc đình công của nhân viên dịch vụ mặt đất tại các sân bay Berlin phản đối cắt giảm việc làm, tiền lương và mối đe doạ khủng bố.
Do vậy, sau khi Etihad không còn đủ sức gồng gánh tình hình nợ nần của đối tác, hãng hàng không Abu Dhabi quyết định không hỗ trợ thêm tài chính cho Air Berlin nữa. Vì thế, hãng này không còn lựa chọn nào khác phải nộp đơn phá sản lên toà án Berlin-Charlottenburg.
Công ty có trụ sở tại Abu Dhabi cho biết: “Hoạt động kinh doanh của Abu Dhabi liên tiếp sụt giảm ở mức không tưởng, do đó hãng này khó có thể vượt qua thách thức nặng nề trước mắt”.
Tương lai mờ mịt
Trong thời gian tới, để sắp xếp trước khi Air Berlin ngừng hoạt động hoàn toàn, nhất là trong thời điểm quan trọng của năm khi nhiều người Đức đang bước vào thời điểm cao trào đặt du lịch ở khắp nơi trên thế giới, Chính phủ Đức buộc phải cung cấp khoản vay trị giá 150 triệu USD để hãng này duy trì hoạt động trong ba tháng.
Về lâu dài, Air Berlin và Chính phủ Đức sẽ phải tìm ra những chủ nhân mới có thể mua Air Berlin đủ khả năng tiếp tục duy trì dịch vụ trên các tuyến của Air Berlin.
Hãng Lufthansa cho biết, “đã đàm phán với Air Berlin để tiếp quản một số phần trong Tập đoàn Air Berlin và khai thác khả năng thuê nhân viên bổ sung”.
Air Berlin khẳng định, họ đã xúc tiến các cuộc đàm phán với Lufthansa và nhiều đối tác khác từ lâu.
Trên bảng xếp hạng các công ty dẫn đầu của Đức (DAX), Lufthansa đã vươn lên đầu bảng, giá trị cổ phiếu tăng 4,73% lên 20,59 euro. Trong khi đó, cổ phiếu của Air Berlin, không được liệt trong danh sách DAX, lao dốc hơn 35% xuống 0,51%.
Verdi, công đoàn ngành dịch vụ khổng lồ của Đức phản ứng thất vọng với quyết định của Air Berlin khi nộp đơn xin phá sản. “Đây là cú giáng mạnh đối với nhân viên của Air Berlin”, thành viên hội đồng Verdi, ông Christine Behle cho biết. “Ưu tiên của chúng tôi hiện nay là đảm bảo việc làm. Air Berlin phải thúc đẩy tiến trình một cách minh bạch nhất và cung cấp tất cả các thông tin cần thiết”.
Công đoàn phi công Cockpit bày tỏ vô cùng “sốc” trước thông tin từ Air Berlin. Về phần mình, Air Berlin đón nhận sự giúp đỡ của chính phủ nhằm hạn chế tối đa gián đoạn trong vài tháng tới. Song, hãng cáo buộc Etihad đưa ra quyết định quản lý và chiến lược sai lầm, quay lưng lại với nhân viên Air Berlin.
Theo Air Berlin, 2 thành viên Ban Giám đốc do phía Etihad đề cử đã từ chức. Thực chất, với Etihad, việc Air Berlin phá sản cũng chính là thất bại của hãng hàng không có trụ sở tại Abu Dhabi trên chặng đường tiến vào thị trường châu Âu thông qua các hãng hàng không Air Berlin và Alitalia, cả hai đều đang chật vật vì cạnh tranh với các đối thủ hàng không giá rẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận