Thời sự Quốc tế

Vì sao Ấn Độ phải hủy 500 chuyến tàu, hệ thống đường sắt Anh tê liệt?

Hôm nay (21/6), Ấn Độ đã phải hủy hơn 500 chuyến tàu còn hệ thống đường sắt của Anh bị tê liệt vì các cuộc biểu tình, đình công rầm rộ.

Ấn Độ phải hủy 500 chuyến tàu vì biểu tình

Bộ Đường sắt Ấn Độ ra thông báo cho biết, ngày 21/6, đã có hơn 500 chuyến tàu bị hủy vì các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch tuyển quân ngày càng gia tăng.

Làn sóng biểu tình nổ ra sau khi Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố kế hoạch cải tổ quy định tuyển quân có tên Agnipath hồi tuần trước.

Theo đó, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch hạ độ tuổi nhập ngũ trung bình và thời gian nhập ngũ chỉ kéo dài khoảng 4 năm. Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch này nhằm cắt giảm chi phí trợ cấp lương hưu vốn đang gia tăng tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng kế hoạch mới này sẽ tước đoạt cơ hội tìm kiếm công việc lâu dài trong quân đội của người dân và đi kèm với đó là các khoản trợ cấp khác, lương hưu và vị trí trong xã hội.

img

Người biểu tình phản đối quy định tuyển quân mới bị bắt lên xe cảnh sát tại thành phố Kolkata, Ấn Độ. Ảnh - Reuters

Lãnh đạo của một đảng đối lập tại Ấn Độ đã gặp Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind để kiến nghị về việc rút lại việc thực thi quy định này.

“Xét trên tình hình tại biên giới, chúng ta bắt buộc phải có lực lượng vũ trang trẻ, được huấn luyện bài bản có động lực và được đảm bảo về tương lai”, theo nội dung bản ghi nhớ của đảng đối lập trình lên Tổng thống Ram Nath Kovind.

Ấn Độ thường xảy ra tranh chấp biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.

Tuy nhiên,giới chức quốc phòng cấp cao của Ấn Độ cho biết kế hoạch nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của nước này.

Để phần nào xoa dịu biểu tình, Chính phủ Ấn Độ đã điều chỉnh một số quy định trong kế hoạch nhằm tạo nhiều cơ hội việc làm trong chính quyền bang và liên bang cho các tân binh sau thời hạn phục vụ trong quân ngũ nhưng sẽ không rút lại quy định.

Các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ trong nhiều ngày qua, nhiều nam thanh niên tức giận đã đốt phá các đoàn tàu, đụng độ với cảnh sát. Ít nhất một người đã thiệt mạng, hơn 300 người biểu tình đã bị bắt.

Một người biểu tình tại thành phố Kolkata, miền đông Ấn Độ cho biết anh cần một công việc đảm bảo và Bộ Quốc phòng không có quyền chỉ ký các hợp đồng tuyển quân tạm thời với người dân.

Với quy định mới, sẽ có 46.000 thiếu sinh quân sẽ được tuyển trong năm nay với kỳ hạn 4 năm và 25% trong số này sẽ được tiếp tục phục vụ sau thời hạn trên. Quá trình tuyển quân sẽ bắt đầu trong tháng này.

Anh bắt đầu cuộc biểu tình lớn nhất trong 30 năm

Hôm nay (21/6), đã diễn ra cuộc đình công trong ngành đường sắt lớn nhất tại Anh trong vòng 3 thập kỷ qua với sự tham gia của khoảng 40.000 công nhân đường sắt.

Cuộc đình công khiến hệ thống đường sắt Anh đình trệ. Hệ thống tàu điện ngầm London Underground cũng gần như đóng cửa vì 1 cuộc đình công khác.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chỉ trích cuộc đình công sẽ làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong khi họ đang nỗ lực để khôi phục kinh tế.

img

Bảng thông báo tới hành khách được đặt trước cửa một nhà ga, cho biết một số dịch vụ tàu phải hạn chế vì biểu tình

Bản thân ông Johnson cũng đang chịu áp lực phải hành động hơn nữa để hỗ trợ các gia đình Anh khi nền kinh tế đang chịu nhiều tác động mạnh.

Các công đoàn cho biết cuộc đình công trong ngành đường sắt sẽ là “phát súng mở màn” cho một mùa hè biểu tình của giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh,… khi giá nhiên liệu, thực phẩm tăng cao đẩy lạm phát lên mức 10%.

“Chiến dịch này sẽ kéo dài tới chừng nào còn cần thiết” – ông Mick Lynch, Tổng thư ký Liên đoàn Công nhân Giao thông, Hàng hải, Đường sắt (RMT) cho biết.

“Hành động biểu tình như vậy chỉ càng đánh mất người lao động – chính là những người sẽ giúp tạo thêm việc làm cho công nhân ngành đường sắt – đồng thời làm tổn hại các doanh nghiệp, công đồng trên toàn quốc” – Thủ tướng Anh phát biểu trước nội các.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.