Xã hội

Vì sao An Giang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất vùng ĐBSCL?

24/08/2022, 13:46

7 tháng đầu năm 2022, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công tỉnh An Giang vẫn còn thấp, nhiều lĩnh vực giải ngân dưới 30%.

Ngày 24/8, Sở KH&ĐT tỉnh An Giang vừa có báo cáo kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm trên địa bàn.

img

7 tháng qua, công tác giải ngân nhiều lĩnh vực của tỉnh An Giang còn thấp, có lĩnh vực chưa giả ngân được đồng nào.

Tỉ lệ giải ngân thấp, có lĩnh vực chưa giải ngân

Năm 2022, tổng số vốn đầu tư công An Giang được giao hơn 5.267 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 3.500 tỷ, vốn ngân sách Trung ương hơn 1.768 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 7/2022, các địa phương, cơ quan giải ngân được hơn 1.632 tỷ đồng, đạt 24,96%. Trong đó, có một số lĩnh vực giải ngân cao - trên 30% như lĩnh vực xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực có tỷ lệ giải ngân thấp. Đó là lĩnh vực bảo vệ môi trường (11,50%); thể dục, thể thao (12,16%); quy hoạch (13,58%); giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (15,34%).

Cũng nằm ở mức thấp là y tế, dân số và gia đình (17,24%); khu công nghiệp và kinh tế (26,52%)…. Đáng chú ý, lĩnh vực khoa học, công nghệ vẫn chưa giải ngân được đồng nào.

Nguyên nhân dẫn đến công tác giải ngân thấp là do 7 tháng đầu năm, các dự án được khởi công mới trên địa bàn tỉnh chỉ mới thực hiện xong thủ tục đầu tư. Do vậy chưa có nhiều khối lượng thanh toán để giải ngân vốn.

Bên cạnh đó, khâu bồi thường, GPMB là nút thắt lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cần GPMB, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông và nông nghiệp có kế hoạch vốn lớn.

Điển hình là dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) qua khu vực tứ giác Long Xuyên nới với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang). Kế đó là dự án kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ TP Long Xuyên.

Cũng "kẹt cứng" về GPMB là dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nâng cấp ĐT949, huyện Tịnh Biên và Tri Tôn...

Một số dự án chưa đẩy nhanh tiến độ thi công như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tỉnh An Giang; nâng cấp, cải tạo tuyến đường Đông Rạch Giá - Long Xuyên; Trường TH Phú Thọ (điểm chính).

Nguyên do là các nhà thầu tổ chức thực hiện thi công chưa đạt yêu cầu đề ra, cũng là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân của địa phương chưa cao.

Giải ngân là tiêu chí xét thi đua

Từ thực trạng trên, Sở KH&ĐT đề nghị, các sở, ngành và các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án theo như biên bản đã cam kết.

Đồng thời, siết chặt tiến độ và giải ngân vốn. Mời từng chủ đầu tư làm việc và có biên bản đề nghị nhà thầu cam kết về tiến độ cũng như đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công, vật tư phải đảm bảo hợp đồng theo biên bản cam kết.

Chủ đầu tư phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng dự án. Đồng thời lập bảng kế hoạch thực hiện và giải ngân từng dự án theo từng tháng; công bố, công khai tiến độ kết quả giải ngân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ công tác xử lý khó khăn vướng mắc trong bồi thường GPMB trên địa bàn tỉnh do Sở TN&MT làm tổ trưởng tập trung GPMB cho từng dự án. Dự án nào vượt thẩm quyền, tổ công tác báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Trước tình hình giải ngân của địa phương thời gian qua, trong hội nghị đánh giá vào ngày 22/8, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định, tỷ lệ giải ngân của địa phương đến nay mới đạt 24,96%. Như vậy, thấp hơn bình quân cả nước (34,35%) và thấp nhất vùng ĐBSCL.

Từ đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh An Giang chỉ đạo, các chủ đầu tư có báo cáo cụ thể về kết quả, kế hoạch chi tiếy giải ngân theo tứng tháng, chậm nhất đến hết tháng 8/2022 phải hoàn thành.

Đối với các chủ đầu tư và nhà thầu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu, phối hợp rà soát, tập trung giải quyết vướng mắc trong quá trình khiển khai đầu tư công và xem đây là tiêu chí quan trọng xét thi đua cuối năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.