Tuấn và Lan Anh đứng trước vành móng ngựa
Ngày 15/12, bà Vũ Thị Dự (51 tuổi, ở xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết đã gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho con gái là Nguyễn Thị Lan Anh và Nguyễn Minh Tuấn (chồng của Lan Anh) đến TAND Cấp cao ở Hà Nội. Đồng thời, bà cũng rút đơn kháng cáo yêu cầu tăng mức xử phạt đối với Tuấn.
Trước đó, HĐXX phiên sơ thẩm đã tuyên phạt Lan Anh mức án chung thân, còn Tuấn mức án tử hình vì hành hạ khiến bé gái N.N.M. (3 tuổi, con gái riêng của Lan Anh) tử vong. Tại phiên toà sơ thẩm, bà Dự thấy bị cáo Nguyễn Minh Tuấn (chồng của bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh - con gái bà) vẫn loanh quanh chối bỏ trách nhiệm giết cháu bé; chưa thực sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo.
Do đó, ngay sau phiên sơ thẩm, trong đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND TP Hà Nội, với tư cách là người đại diện pháp luật cho bị hại N.N.M, bà Dự đề nghị tăng mức xử phạt về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy đối với Nguyễn Minh Tuấn. Về tội Giết người đối với bị cáo Nguyễn Minh Tuấn, bà Dự đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình và buộc tâm phục, khẩu phục.
Tuy nhiên, đến nay, bà Dự lại thay đổi quyết định. Chia sẻ lý do thay đổi nội dung đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Hà Nội, bà Dự cho biết đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định này. Sau phiên xét xử sơ thẩm, bố của bị cáo Tuấn đã đến nhà bà, thắp hương và xin lỗi.
"Giờ tôi gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Tuấn vì không muốn hận thù trong gia đình tiếp diễn. Tuấn và Lan Anh còn có 1 con nhỏ, tôi muốn cho hai người đó thêm cơ hội. Nếu được giảm án, khi ở trong tù, cả hai sẽ phải sống trong sự dằn vặt, ân hận", bà Dự nói.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Trong quá trình tố tụng hình sự, giai đoạn xét xử sơ thẩm là rất quan trọng, có vai trò quyết định. Bản án sơ thẩm nếu đã nhận định đúng người đúng tội, không oan sai thì hình phạt đưa ra không thể thay đổi tại cấp phúc thẩm dù cho có kháng cáo của các bị cáo, bị hại.
"Đặc biệt là đối với các vụ án gây rúng động xã hội và sự phẫn nộ trong quần chúng nhân dân thì việc xử lý càng phải thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Dù đại diện bị hại có làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo thì cũng khó để thay đổi được công lý. Bởi lẽ, hành vi phạm tội của bị cáo thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng nên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không phải bên bị hại", luật sư Thơm phân tích.
Theo luật sư Thơm, bà Dự rút đơn không thông báo trước cho luật sư. Tuy nhiên, luật sư Thơm hiểu bà ngoại xin giảm nhẹ hình phạt là cũng là điều dễ hiểu bởi con người sống còn phải chịu sự chi phối về tình cảm, lương tâm, mối quan hệ họ hàng, thông gia và xã hội.
"Thực tế, dù bị hại có xin giảm nhẹ hình phạt cũng không thay đổi bản chất hình phạt. Theo kinh nghiệm của tôi, dù cho bị hại xin giảm án tử hình thì cấp phúc thẩm cũng không thay đổi và giữ nguyên bản án sơ thẩm", luật sư Thơm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận