Gia đình nạn nhân vụ chìm phà tại Bangladesh khóc nấc khi biết tin người thân nằm trong số 125 người mất tích |
5.000 người thiệt mạng trong 13 năm
Ngày 4/8 vừa qua, tại Bangladesh lại xảy ra một vụ chìm phà trên sông Padma khiến ít nhất hai người thiệt mạng và 125 người mất tích. Hầu hết những người có mặt trên chiếc phà có tên MV Pinak-6 đều đang quay trở về TP Dhaka làm việc sau đợt nghỉ lễ Eid al-Fitr cùng gia đình. Kể lại nỗi kinh hoàng, ông Azizul Hauqe, một hành khách trên phà cho biết, “dòng sông này rất hung dữ, trên phà có quá nhiều người. Gió to ào tới, con phà bị mất kiểm soát và lật nghiêng sang một bên”. Ông Haque thoát nạn nhờ nhảy khỏi phà và bơi vào bờ cùng khoảng 40 người khác.
Chính phủ lơ là, dân nghèo lĩnh đủ
Ông Michael Kugelman - chuyên gia về Nam Á từ Trung tâm học giả Woodrow Wilson trụ sở tại Washington, Mỹ cho biết: “Vấn nạn này chủ yếu ảnh hưởng tới dân nghèo nên chính phủ không đặt đó làm ưu tiên hàng đầu. Chỉ khi có sự kêu gọi từ dư luận quốc tế, chính phủ mới sốt sắng đưa ra những biện pháp tích cực”.
Cũng theo ông Kugelman, bối cảnh chính trị Bangladesh lúc này phân cực sâu sắc. Trong đó giới chức chỉ mải mê đấu tranh quyền lực, còn những vấn đề của cộng đồng, cấp thiết khác thì đáng buồn lại bị lơ là. |
Ngày 6/8, Cảnh sát Bangladesh đã phát lệnh truy nã chủ phà cùng năm nhân viên, với cáo buộc vô trách nhiệm và chở quá tải. Trước đó Bộ trưởng Bộ Vận tải thủy Bangladesh Shajahan Khan cũng có đề nghị tương tự.
Cách đây không lâu, tháng 5/2014, ít nhất 50 người thiệt mạng trong vụ tai nạn chìm phà tương tự. Tháng 3/2012, cũng trên dòng sông Padma, xảy ra vụ chìm phà chở 250 người khiến 145 người thiệt mạng.
Tháng 12/2009, 46 người trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em chết đuối trên sông Daira, tỉnh Kishoreganj khi chiếc phà chở họ bị lật. Khoảng 150 người khác tử nạn trong vụ chìm phà xảy ra tháng 2/2005 trên sông Buriganga, ngoại ô Thủ đô Dhaka.
Theo báo cáo của Cục Giao thông đường thủy nội địa Bangladesh (BIWTA), trong 13 năm qua, ít nhất 5.000 người thiệt mạng trong các vụ chìm phà.
Quá tải và thiếu an toàn
Chủ tịch Hiệp hội thủy thủ Bangladesh, Thuyền trưởng M. AnamChowdhury cho biết, khoảng 35% vụ tai nạn phà do quá tải. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như thiết kế và bảo trì kém, thiếu tiêu chuẩn an toàn, điều kiện thời tiết khó lường. Điển hình, vụ chìm phà ngày 4/8 nói trên, ông Samsuddoha Khondaker - Cục trưởng BIWTA cho biết, nguyên nhân khiến chiếc phà này lật úp chính là do chở quá tải. “Tải trọng phà chỉ 85 người, tuy nhiên khi gặp nạn trên phà có khoảng 250 người - gấp gần ba lần”.
Ngoài ra, một quan chức thuộc Bộ Vận tải Bangladesh - ông Fakhrul Islam cho hay, giấy phép hoạt động của chiếc phà này đã hết hạn từ tháng 4 vừa qua. Đồng thời, bất chấp cảnh báo thời thiết khắc nghiệt, thuyền trưởng vẫn cho phà hoạt động.
Theo nghiên cứu về “Phương pháp và chiến lược cải cách hệ thống đường thủy nội địa Bangladesh” của Ngân hàng Thế giới, thì nước này thiếu các quy định phù hợp và sự can thiệp của Chính phủ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến chất lượng dịch vụ của hệ thống đường thủy nội địa (IWT) kém. Còn các chủ phương tiện thì tranh thủ kiếm lời bằng cách chở quá tải.
Ông Roberta Weisbrod - đến từ Tổ chức Vận tải đại diện cho ngành vận tải phà thế giới nhận định: “Việc thiếu đào tạo thủy thủ đoàn cũng là một trong những lỗi của Chính phủ dẫn đến hàng loạt các vụ chìm phà” và “ở Bangladesh, thủy thủ đoàn thường thiếu kiến thức cơ bản, nhiều khi còn mù chữ”.
Ông Roberta đang hợp tác cùng Tổ chức Hàng hải quốc tế phát triển một khóa đào tạo cho các thành viên làm việc trên phà. Bước đầu thử nghiệm khóa học này tại Bangladesh cho thấy kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, Chính phủ không mấy thiết tha phát triển những khóa học như vậy, ông Roberta nói.
Trang Trần
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận