Vì sao bánh chưng lại ăn với dưa hành? |
Hỏi:
Tôi thấy mọi người thường kêu ăn bánh chưng thường thấy nóng cổ và đầy bụng. Thế nhưng, đây lại là món ăn cổ truyền đối với các gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Vậy phải làm sao để tránh được hiện tượng này?
Trần Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Trả lời:
Theo tết cổ truyền của VN, bao giờ cũng có bánh chưng. Trong bánh chưng có gạo nếp, đỗ, thịt, về nguyên lý ăn bánh chưng rất dễ tiêu vì nó đã được ninh mềm. Tuy nhiên, thực tế trong bánh chưng lại có thứ béo quá như gạo nếp, thịt mỡ… khiến nhiều người luôn có cảm giác đầy bụng.
Do vậy, khi ăn bánh chưng, điều đầu tiên phải nhớ là không ăn nhiều, ăn liên tục vì nếu ăn liên tục bộ máy tiêu hóa không vận hành được dẫn đến nhiều trường hợp đau bụng, khó tiêu. Đặc biệt, cần lưu ý với những người mắc mỡ máu, men gan, bệnh mãn tính về tiêu hóa… tuyệt đối không nên ăn nhiều bánh chưng.
Thông thường, bánh chưng không kỵ với món gì, chỉ kỵ với người béo quá thôi. Khi ăn bánh chưng hay bị nóng cổ là vì cơ thể của người đó có những phản ứng tự nhiên trong tiêu hóa, khi ăn nhiều không vận hóa được hết gây nên vị khí nghịch. Vị khí nghịch có nghĩa là thức ăn không vận hóa được theo quy luật.
Bánh chưng là chất béo, dễ ngấy nên thường kết hợp ăn với hành muối. Củ hành muối nóng làm cho tiêu hóa tốt lên. Hành muối là loại củ tính cay nóng, ấm, do vậy, hành không chỉ giúp tiêu hóa tốt hơn mà còn làm cơ thể nóng ấm lên rất tốt vào mùa đông. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên lạm dụng quá mức gây nóng làm cho cơ thể ngứa ngáy, nổi mụn.
Phòng khám đông y Hồng Phúc Đường (Hà Nội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận